ISSN-2815-5823

ACB: Tiềm lực hùng mạnh, bức tranh kinh doanh toàn cảnh trước và sau đại dịch Covid-19

(KDPT) - ACB đã chứng tỏ tiềm lực mạnh mẽ và sự linh hoạt trong kinh doanh với kết quả ấn tượng từ trước và sau đại dịch Covid-19, phản ánh qua lợi nhuận và chiến lược "lên dốc" đột phá.

Mới đây, ACB huy động gần 13.000 tỷ đồng trái phiếu trong 7 tháng 2024. Theo đó, chỉ trong 2 tháng là tháng 6 và tháng 7 năm 2024, ACB đã phát hành tổng cộng 4 lô trái phiếu, trong đó lô có giá trị lớn nhất lên đến 5.000 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, nổi bật với sự phát triển bền vững và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã duy trì được sự ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.

ACB: Tiềm lực hùng mạnh, bức tranh kinh doanh toàn cảnh trước và sau đại dịch Covid-19 - ảnh 1

Tiềm lực tài chính vững chắc, hiệu quả trong quản trị rủi ro

Theo những số liệu qua khảo sát, tìm hiểu của Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, năm 2019, ACB đạt mức lợi nhuận cao nhất trong 5 năm trở lại đây với 7.516 tỉ đồng trước thuế, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức thấp 0,54% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao 165%, tăng 17,6% so với năm trước đó​​.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB trước thời điểm đại dịch Covid-19.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB trước thời điểm đại dịch Covid-19.

Bước vào năm 2020, dù phải đối mặt với những thách thức do đại dịch, ACB vẫn đạt được lợi nhuận trước thuế khoảng 9.596 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019​​. Điều này cho thấy khả năng thích ứng và quản lý rủi ro hiệu quả của ACB.

Theo ACB, quản trị hiệu quả là yếu tố cốt lõi quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của tổ chức. Ngân hàng cam kết duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức kinh doanh, nguyên tắc quản trị, và báo cáo minh bạch, chính xác. ACB tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và các yêu cầu của Nhà nước, hướng tới môi trường kinh doanh trong sạch và tạo giá trị lâu dài cho các bên liên quan.

Nhờ vào nỗ lực vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, theo báo cáo tài chính quý IV/2021, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020 và vượt 13% kế hoạch năm. Trong giai đoạn 2017-2021, ACB bứt phá ngoạn mục với lợi nhuận bình quân tăng 46%/năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của ACB năm 2021 đạt 23,9%, đứng thứ 2 trong hệ thống, sau VIB và cao hơn MBBank, TPBank, OCB…

ACB: Tiềm lực hùng mạnh, bức tranh kinh doanh toàn cảnh trước và sau đại dịch Covid-19 - ảnh 3

Ngân hàng không chỉ khai thác tốt các cơ hội từ sự bùng nổ của ngân hàng số và dịch vụ trực tuyến, mà còn mở rộng quy mô huy động vốn từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, cho thấy sự thích ứng linh hoạt và chiến lược phát triển hiệu quả trong bối cảnh kinh tế biến động.

Cùng với tăng trưởng bền vững về lợi nhuận, ACB tiếp tục khẳng định thế mạnh ở chất lượng tài sản vượt trội khi tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,74% - thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng. Đặc biệt ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%. Bên cạnh đó, ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường có danh mục đầu tư trái phiếu rất an toàn, chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp.

Năm 2022, ACB được đánh giá là ngân hàng có mô hình quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế hàng đầu khi hoàn thành BASEL III và ILAAP. Trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động về thanh khoản, lãi suất, ACB vẫn kết thúc năm với tất cả các chỉ số an toàn thanh khoản rất tốt. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20%.

Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12,2% và 12,8%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và cả khi thị trường căng thẳng.

Nhờ thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng cũng như áp dụng vào danh mục sản phẩm/dịch vụ ngân hàng số, ACB tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn và thúc đẩy doanh số giao dịch online tăng 60%. Trong năm 2022, ACB cũng đã chào đón thêm hơn 1 triệu khách hàng mới.

ACB và chiến lược kinh doanh "lên dốc" thoát sương mù

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB ví năm 2023 như một làn sương mù và ACB đang đi lên trên một con dốc. 

"Có thể hình dung không chỉ năm 2023 mà cả năm trước đó (2022), yếu tố ngoại cảnh có nhiều bất định như một lớp sương mờ. Đội hình của ACB phải đi lên dốc, leo núi trong màn sương mù đó. Anh em ACB có thể đi chậm, từng bước, nhưng rất vững. Điều quan trọng là anh em nắm tay rất chặt, có đường lối, có kỷ luật thực thi mạnh mẽ. Không có chuyện khi leo núi mà ông này tạt ngang, ông này tạt dọc, ông này muốn đi chậm, ông khác muốn đi nhanh…

Còn thực tế là khi nhìn thấy khó khăn, Ban lãnh đạo ACB đưa ra thông điệp điều hành ứng với hành động rất cụ thể. Chính điều này tạo nên nhân tố xuyên suốt cho việc thực thi trên toàn hệ thống", ông Từ Tiến Phát nhận định.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB
Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB

Năm 2023, vượt qua những khó khăn của thị trường, ACB hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20.000 tỷ, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành.

ACB cho biết, năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng đạt hơn 20.000 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022. Tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm. Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB. Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%, tiếp tục là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả đầu ngành.

Bên cạnh đó, ACB ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 16% trong lĩnh vực khách hàng doanh nghiệp, nhờ chiến lược định hướng chính xác và tập trung vào các lĩnh vực và doanh nghiệp cụ thể. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ACB đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các năm trước cũng như trung bình của toàn ngành.

ACB: Tiềm lực hùng mạnh, bức tranh kinh doanh toàn cảnh trước và sau đại dịch Covid-19 - ảnh 5

Tính đến cuối năm 2023, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000 tỷ, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường, bên cạnh nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm để cùng khách hàng vượt qua khó khăn. 

Ngoài ra, ACB tiếp tục tăng tốc số hóa nhằm mang đến hành trình trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng song song với chiến lược quản trị rủi ro thận trọng. Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nhà băng này cũng đặc biệt coi trọng yếu tố con người, đại diện ACB cho biết: “Chúng tôi đang thay đổi mạnh mẽ tư duy và văn hóa nội bộ theo hướng chuyển đổi số, từ đó cùng nhau làm chủ công nghệ và tạo ra những sản phẩm mang lại thành công cho khách hàng".

Khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số theo đúng định hướng xã hội không tiền mặt của Chính phủ. Có thể kể đến ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE, hệ thống Ngân hàng tự động ACB Lite, các giải pháp thanh toán cho doanh nghiệp như ACB One Connect, website được nâng cấp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), là một trong số ít ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán liên kết với Apple Pay tại Việt Nam...

Ông Từ Tiến Phát cũng chia sẻ thêm về nguyên nhân giúp ACB đã từng bước "lên dốc", hoàn thành được các mục tiêu đề ra để vượt qua một năm đầy thách thức như năm 2023: "Thứ nhất, nhờ sự am hiểu thị trường, am hiểu khách hàng, mình hiểu được vấn đề nằm ở đâu, chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu để có hướng tập trung cụ thể. Việc nhận định đúng và chuyển hướng sang khách hàng doanh nghiệp đã giúp ACB tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành. Ngoài ra, hoạt động đầu tư cũng thành công lớn, thu nhập phi tín dụng năm qua của ACB tăng 48%. Thứ hai là sự đồng lòng trong kỷ luật thực thi, xuyên suốt từ hội sở đến từng đơn vị của ACB rất mạnh. Mỗi lần ra chỉ thị là đội ngũ họ hiểu, làm đúng và tạo ra kết quả. Thứ ba là sự kết nối của ACB với khách hàng của mình. Định hướng của chúng tôi là luôn đồng hành, hỗ trợ khách hàng. Trong lúc doanh nghiệp và người dân khó khăn, mình không thể ép người ta về lãi suất hay ép mua kèm sản phẩm gì đó, mà phải đồng hành với khách hàng để cùng nhau vượt qua".

Đại diện ACB nhấn mạnh: "Còn việc xác định luôn hướng tới mục tiêu tăng trưởng ngay cả trong khó khăn phụ thuộc vào định vị của ngân hàng. ACB xác định năm 2023 khó và 2024 cũng có thể rất khó, nhưng hướng vẫn phải là đi lên, không thể đi ngang. Thông thường khi nền kinh tế khó khăn, người ta thường nói sống sót, tồn tại là ưu tiên. Nhưng với ACB thì khác vì chúng tôi đã chuẩn bị được nền tảng vững chắc từ trước. Tất nhiên đi lên cũng phải có "bài", và có cách đi phù hợp".

2024: Khó, nhưng điểm sáng vẫn vượt trội

ACB nhận định, năm 2024 nền kinh tế trong nước sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức, do cầu toàn cầu chưa phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, với các giải pháp của Chính phủ để giải quyết khó khăn trên các thị trường như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt. ACB kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình.

Ông Từ Tiến Phát cho biết bản thân ông cảm thấy khá cân bằng trong nhận định về năm 2024. "Khó, nhưng điểm sáng vẫn vượt trội. Cái quan trọng và khác biệt của ACB là biết mình ở đâu. Nền kinh tế khó nhưng vẫn có những tổ chức hoạt động hiệu quả vì họ biết cơ hội thị trường ở đâu, nền tảng của họ ở đâu, đâu là điểm đột phá cho tổ chức của mình", ông Phát nhấn mạnh.

Trong quý I/2024, ACB tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân hàng đầu với mức tăng trưởng quy mô vượt trội so với trung bình ngành. Cụ thể, tín dụng đạt 506.000 tỷ đồng và huy động vốn gần 493.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng lần lượt là 3,8% và 2,1% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng ngành. Đặc biệt, tỷ lệ CASA ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng đạt 23,7%.

Ngoài ra, tăng trưởng ổn định từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm thu nhập lãi và dịch vụ đã giúp tổng thu nhập của ACB đạt gần 8.200 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1%. Tỷ lệ ROE duy trì ở mức 23,4%, tiếp tục dẫn đầu thị trường về hiệu quả hoạt động.

Tính đến cuối tháng 3/2024, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.900 tỷ đồng, hoàn thành 22% kế hoạch năm, mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 do khoản thu nhập bất thường và tăng trích lập dự phòng nợ vay. Nhưng trong quý I/2024, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Do đó, lợi nhuận ACB quý I/2024 tvẫn đạt ở mức khả quan. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng duy trì ở mức 1,45%, và chỉ 1,3% khi không tính nhóm nợ theo CIC.

Báo cáo quý I/2024 cũng nổi bật với thành công của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), đạt 216 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 122% so với cùng kỳ. ACBS đã tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, nằm trong Top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của ACB trong việc đầu tư vào các mảng kinh doanh hiệu quả.

Trong quý I/2024, ACB ra mắt gói tín dụng xanh/xã hội trị giá 2.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6%/năm, ưu đãi tới 24 tháng và miễn/giảm phí trả nợ trước hạn. Tính đến hết quý I, đã giải ngân 36% gói này, tương đương 714 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Từ Tiến Phát tự tin hoàn thành kế hoạch năm và dự báo tăng trưởng tín dụng có thể vượt mức 14%, nhưng vẫn trong giới hạn của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù nợ xấu tăng nhẹ trong quý I, ACB kiểm soát tốt ở mức 1,2-1,3%.

Chiến lược tiếp theo của ACB tập trung vào bán lẻ, khách hàng cá nhân và SME, đồng thời phát triển doanh nghiệp lớn đầu ngành để hỗ trợ hệ sinh thái khách hàng, duy trì vị thế Top 3 ngân hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024