Công trình đã bảo tồn nhiều nguồn gen vật nuôi, cứu vãn nhiều giống vật nuôi quý như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía, vịt Kỳ Lừa,…
Công trình đã bảo tồn nhiều nguồn gen vật nuôi, cứu vãn nhiều giống vật nuôi quý như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía, vịt Kỳ Lừa,…

Công trình có tác động quan trọng tới lĩnh vực chăn nuôi

Công trình đã tìm ra các giống có ưu điểm nổi trội để bảo tồn, khai thác phát triển một cách có hiệu quả trong phạm vi cả nước, sử dụng công nghệ hiện đại kết hợp với các phương pháp truyền thống. Công trình nghiên cứu khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và tổ chức khoa học quốc tế được thực hiện trong 20 năm qua (Giai đoạn 2000 - 2020).

Kết quả công trình đã bảo tồn 94 nguồn gen vật nuôi bản địa, trong đó đã điều tra thu thập phát hiện, bổ sung 70 nguồn gen vật nuôi bản địa vào danh mục nguồn gen vật nuôi ưu tiên bảo tồn. Đặc biệt đã cứu vãn được 06 giống vật nuôi bản địa khỏi bị tuyệt chủng và đã phục tráng, chọn lọc, nhân thuần đưa trở lại sản xuất: bò U đầu rìu (Nghệ An, Hà Tĩnh), gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Hồ (Bắc Ninh), gà Mía (Hà Nội), vịt Kỳ Lừa (Lạng Sơn) và vịt Bầu Bến (Hòa Bình).

Đã đánh giá di truyền được 24 nguồn gen lợn và 21 nguồn gen gia cầm sử dụng kỹ thuật di truyền phân tử Mircrosatellite và Mitochondrial (mtDNA).

Mang tới giá trị cao về khoa học

Công trình đã có những phát hiện khoa học mới về hiện trạng các giống vật nuôi bản địa của Việt Nam, tạo được cách tiếp cận mới trong việc gắn liền bảo tồn với khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi bản địa của nước ta, từ đó đã góp phần tác động làm thay đổi quan trọng trong sản xuất và đời sống của nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Công trình đã phục tráng nhiều nguồn gen bản địa, đóng góp nhiều trong sản xuất.

Góp phần xây dựng được mạng lưới bảo tồn, khai thác sử dụng hợp lý nguồn gen vật nuôi bản địa rộng khắp cả nước. Đã bảo tồn được 94 nguồn gen vật nuôi bản địa, trong đó đã điều tra thu thập phát hiện, bổ sung 70 nguồn gen vật nuôi bản địa vào danh mục nguồn gen vật nuôi cần ưu tiên bảo tồn. Nổi bật trong công trình là thành công cứu vãn 06 nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng. Đã đánh giá được sự khác biệt về di truyền và khoảng cách di truyền của 24 nguồn gen lợn và 21 nguồn gen gia cầm. Đã khai thác phát triển có hiệu quả được 58 nguồn gen vật nuôi bản địa trên phạm vi cả nước.

Công trình đã xây dựng được phần mềm VIETGEN 3.0 lưu giữ dữ liệu về nguồn gen vật nuôi Việt Nam có sự hợp tác với Cục bảo tồn nguồn gen vật nuôi Ấn Độ và các tổ chức quốc tế FAP, GFP/UNEP,… Đã đăng ký và chấp nhận bản quyền các đoạn gen bản địa các giống gia súc, tiểu gia súc, gia cầm của Việt Nam trên ngân hàng dữ liệu gen Quốc tế trên NCBI international EMBL/Genbank/DDBJ.

Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của nhiều vùng miền

Bảo tồn và lưu giữa thành công nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Đặc biệt là cư dân đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo thì vật nuôi bản địa đã tạo sinh kế cho họ.

Công trình đã được triển khai, ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích, hiệu quả thực sự cho những cộng đồng, tổ chức xã hội đã có công sức gìn giữ bảo tồn nguồn gen vật nuôi bản địa ở Việt Nam góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vùng nhiệt đới và cũng góp phần thực hiện mục tiêu của công ước quốc tế về đa dạng sinh học.