Điện Biên bây giờ đã đổi khác rất nhiều. Những chiến hào, công sự xưa nay đã xanh màu lúa non, vẻ yên bình của hiện tại khiến thế hệ sau khó hình dung ra sự ác liệt của chiến tranh mà cha ông đã trải qua. Chỉ có những tượng đài, nghĩa trang nơi đây là minh chứng rõ nét cho sự hi sinh, gian khổ của lớp người đã nằm xuống cho màu xanh vươn lên mãnh liệt. Và đâu đó, dưới lớp đất lạnh, có những người lính vẫn chưa được trở về với gia đình, họ đã mãi mãi nằm xuống, hòa vào đất Mẹ ngàn năm. Bên cạnh những tượng đài xi măng, cốt thép, còn đó sừng sững là tượng đài của những người lính năm nào đã hóa tên mình thành tên đất nước.

Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên, chúng tôi có nhận được một bài thơ của ông Nguyễn Văn Hiếu, nay đã ở tuổi thất thập. Bài thơ viết về nỗi lòng của ông, một người con với cha mình, chiến sĩ Điện Biên đã hi sinh trong đợt tổng tiến công cách đây đã hơn 60 năm. Người chiến sĩ đó là Nguyễn Văn Dy, thuộc biên chế của Đại đội 225 Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 trước đây, (Sư đoàn 308 ngày nay), là sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kinh doanh và Phát triển trân trọng giới thiệu tới quý vị bài thơ “Tìm bố”. Bài thơ là kết tụ tình cảm của người con dành cho cha mình sau mấy chục năm đằng đẵng đi tìm cha khắp các chiến trường Điện Biên mà chưa có kết quả.

Tìm bố

Ở Điện Biên Phủ

Con lên tìm bố, bố ơi!

Linh thiêng bố hãy chỉ nơi bố nằm

Bố ơi, đã bấy nhiêu năm

Đủ rồi bố ạ, bấy nhiêu đủ rồi!

Sông Cầu con nước đầy vơi

Lòng con thương nhớ chẳng vơi chút nào.

Lâu rồi con vẫn khát khao

Tìm gặp được bố gọi lời “Bố ơi…!”

Nào ai đếm được sao trời

Ai đếm được sóng ngoài khơi vô bờ

Bao nhiêu nhớ bao nhiêu chờ

Bao nhiêu khao khát vẫn là khát khao…

Con gọi bố, bố ở đâu?

Chiến trường xưa đã xanh màu lúa non

Hào xưa chỗ lấp chỗ còn

Đồi cao phủ trắng một màu hoa ban

Vào nghĩa trang con thắp nhang

Nhờ khói hương để âm dương thân gần

Để trời cao, để đất dầy

Thấu tình chỉ lối con tìm gặp cha

Khói hương khi bỗng lúc là

Phải chăng khói bắc nhịp cầu âm dương?

Sao trời lấp lánh chỉ đường

Sao trên bia mộ sao thương sao buồn.

Con tìm bố khắp chiến trường

Mường Thanh, Độc Lập rồi vào Pe luông

Bao năm con vẫn đi tìm

Đường xa nắng trắng lệ nhòa bố ơi

Con khấn Phật, con cầu Trời

Tìm gặp được bố cho vơi nỗi sầu.

Đêm Điện Biên Phủ 6/5/2017

Những người yêu thơ ca thường nói “thơ là tiếng lòng”. Nếu như vậy, ắt hẳn “Tìm bố” là một tiếng lòng đầy xót xa, thương cảm của người con dành cho người cha đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Biết rằng chiến tranh là mất mát, đau thương. Biết rằng là sinh ly tử biệt, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Nhưng, mấy chục năm đã qua đi mà người lính năm nào vẫn còn nằm lại, đâu đó bên đồi Độc Lập, hay Mường Thanh? hay Pe Luông? Không ai nhớ và không ai biết người chiến sĩ ấy đã ngã xuống và nằm lại tại đâu trên mảnh đất này. Chỉ biết, giờ đây khi ở tuổi đã xế chiều, con trai người lính ấy vẫn dùng mọi khả năng để tìm kiếm ông.

Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mở đầu bằng câu thơ như lời nhắn nhủ, tâm sự của con trai dành cho cha “Con lên tìm bố, bố ơi”. Bố ơi, hẳn những người làm cha đều xúc động khi nghe thấy con mình gọi hai chữ đó. Nhưng giờ người âm, kẻ dương, gọi nhau biết có nghe chăng? Bởi thế, “Lâu rồi con vẫn khát khao/Tìm gặp được bố gọi lời “Bố ơi…!” Hai từ khát khao nối với hai từ bố ơi nghe sao không khỏi xót xa, chạnh lòng…

Dù cho người con có bao lần lặn lội, khổ tâm, nhọc sức đi tìm, nhưng ước vọng được gọi hai tiếng bố ơi vẫn như nghẹn ứ trong họng. Biết bao chiến trường xưa, nay đã xanh màu lúa, trắng màu hoa. Đồng đội xưa nay cũng đã người còn người mất, mà bóng người vẫn như bóng chim, tăm cá. Có lẽ, mọi ước vọng chỉ được giãi bày qua tâm tưởng, qua làn khói nhang mong manh trở thành cây cầu âm-dương. Bởi thế cho nên “Ai đếm được sóng ngoài khơi vô bờ/Bao nhiêu nhớ bao nhiêu chờ/Bao nhiêu khao khát vẫn là khát khao

Bao năm con vẫn đi tìm/Đường xa nắng trắng lệ nhòa bố ơi/Con khấn Phật, con cầu Trời/Tìm gặp được bố cho vơi nỗi sầu. Cả bài thơ là một lời tâm sự, thủ thỉ với chính mình của người con, với linh hồn của người cha. Kết thúc bài thơ cũng là khi người con đặt niềm tin vào trời, vào Phật, vào thế giới huyền diệu. Cuối cùng, cũng nhằm níu giữ những hi vọng mỏng manh một lần được cất tiếng gọi “bố ơi”.

Bài thơ này vốn đã được ra đời cách nay 2 năm, nhưng tới nay những hi vọng đó vẫn chưa một lần được thắp sáng. Và đâu chỉ có một, còn rất nhiều những người lính “vô danh” như thế đang nằm lại, rải rác trên những nẻo xa của Tổ quốc. Họ đã hóa thân vào đất Mẹ hiền hòa, họ đã thành “đàn sếu trắng ” bay suốt dải đất hình chữ S thân thương. Và họ đã hóa thân vào dáng hình đất nước, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết “Nước chúng ta/Nước những người chưa bao giờ khuất/Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

Duy Khánh