ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ hai, 09h39 27/11/2023

Bộ Tài chính đề xuất sửa quy định khống chế trần chi phí 30% khi doanh nghiệp vay ngân hàng

(KDPT) - Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang đề xuất sửa Nghị định 132 theo hướng loại trừ việc xác định quan hệ liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp dựa trên các giới hạn định sẵn, từ đó tránh việc áp trần chi phí lãi vay 30% với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Việc khống chế trần chi phí lãi vay gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn lãi suất tăng cao
Việc khống chế trần chi phí lãi vay gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn lãi suất tăng cao. Ảnh minh họa.

Tại dự thảo tờ trình báo cáo Chính phủ của Bộ Tài chính về sự cần thiết sửa đổi Nghị định 132 năm 2020 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp có giao dịch liên kết có thể không phải chịu quy định khống chế trần lãi vay khi tiếp cận vốn ngân hàng.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện Nghị định 132, Bộ Tài chính đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Theo đó, vướng mắc về xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 điều 5 (bao gồm trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung dài hạn của doanh nghiệp đi vay) và chi phí lãi vay của doanh nghiệp đi vay áp dụng theo mức khống chế trong trường hợp phát sinh duy nhất mối quan hệ liên kết theo vốn vay ngân hàng. Khi đó, các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng là các giao dịch liên kết, đồng thời chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN áp dụng theo mức khống chế tại khoản 3 điều 16 Nghị định 132 (chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần, phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, thời gian chuyển không quá 5 năm).

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung vấn đề doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhất đó là quy định về việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại điểm d khoản 2 điều 5 và chi phí lãi vay trong trường hợp vay ngân hàng. Trong thực tế, ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính không có sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, quyết định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đi vay, xét theo nguyên tắc bản chất quyết định hình thức thì không phải là các bên có quan hệ liên kết.

Do đó, để đảm bảo quy định chi tiết tại khoản 2 thống nhất với khoản 1 điều 5 và phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu vay vốn cao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đưa ra đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 điều 5 Nghị định 132 để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng (không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng không chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác) bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Bộ Tài chính dự kiến lộ trình quý 1/2024 đưa ra dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức hội thảo lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị định và gửi hồ sơ xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp trong đầu quý 2/2024; quý 3/2024, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ để ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 132.

Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, khi vay ngân hàng, doanh nghiệp sẽ không phải xác định quan hệ liên kết dù khoản vay vượt 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn. Do không cần xác định quan hệ liên kết, đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sẽ không phải chịu quy định khống chế trần lãi suất 30% khi đi vay theo quy định áp dụng với những doanh nghiệp có giao dịch liên kết như hiện tại.

Trước đó, nhiều hiệp hội ngành nghề đã phản ánh những bất cập liên quan tới trần chi phí vay 30% với giao dịch liên kết.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Còn Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng cần sửa đổi Nghị định 132 theo hướng bỏ trần 30% vì cho rằng điều này không hợp tình, hợp lý và đã làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, việc Nghị định 132 quy định các bên liên kết, bao gồm cả trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay nếu khoản vay từ 25% vốn góp và trên 50% nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay cũng bị khống chế trần chi phí lãi vay tạo ra bất cập, nhất là khi lãi suất trong nước tăng cao.

Thực tế, trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, rất nhiều doanh nghiệp đã vượt mức khống chế trần lãi vay 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế theo quy định tại Nghị định 132.

“Hệ quả là các doanh nghiệp này bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Điểm quan trọng nhất của Nghị định là "trần" chi phí vay 30% với giao dịch liên kết. Cụ thể, Nghị định quy định "tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế".

Quy định này nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, kể từ khi có hiệu lực (năm 2020), quy định đã cho thấy nhiều bất cập, gia tăng chi phí, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn sau dịch Covid-19.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024