ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 06h00 04/07/2024

Bộ Tài chính dự báo giá cả thị trường 6 tháng cuối năm 2024

(KDPT) - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm, do đó, cần các giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường.

Áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải

Tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính diễn ra sáng 3/7, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023. Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

“Nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy rằng áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây”, TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm 2024, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Phạm Minh Thụy - Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Nghiên cứu Kinh tế Tài chính, Viện Kinh tế - Tài chính, việc tăng lương cơ sở thêm 30,6%, tăng phụ cấp, lương hưu cho các đối tượng hưởng chính sách từ 15-39%, tăng lương tối thiểu vùng từ 200-280 nghìn đồng (tăng khoảng 6,0%); sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như: có thể tăng giá điện 2 lần, tăng học phí đại học, giá dịch vụ y tế...

Dự báo giá cả thị trường trong 6 tháng cuối năm

Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo cuối năm 2024, một số mặt hàng có thể tăng giá như sau:

Đối với mặt hàng xăng dầu, giá trên thị trường thế giới có xu hướng tăng giảm đan xen nhưng vẫn ở mức cao do vẫn chịu tác động bởi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương (chủ trì) có 26 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước (tính đến ngày 27/6/2024).

Đối với mặt hàng điện, giá bán lẻ điện bình quân sau khi được điều chỉnh 2 lần trong năm 2023 thì hiện nay ở mức là 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (theo Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8/11/2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố tháng 5/2024 do nhu cầu sử dụng điện tăng trong mùa hè nắng nóng cũng như giá điện sinh hoạt tăng 2,11% tác động tăng đến chỉ số CPI.

Đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo, theo chỉ đạo của Chính phủ, học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023-2024 và các năm tiếp giữ ổn định. Học phí cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2023-2024 thực hiện theo mức trần học phí mới.

Đối năm học 2024-2025, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%. Tuy nhiên, mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định trong phạm vi giá tối đa do Chính phủ quy định.

Nhìn chung, công tác quản lý điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm, cùng với đó là nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo đã giúp kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm 2024.

3 kịch bản lạm phát cho cả năm

Trên cơ sở tình hình lạm phát nửa đầu năm và những yếu tố tác động tới giá cả thị trường nửa cuối năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho cả năm. Cụ thể, trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong nửa cuối năm 2024, lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%. Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.

Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm, lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%. “Về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%)”, TS. Nguyễn Đức Độ đưa ra dự báo.

Tuy mức độ lạm phát cả năm được dự báo trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan do vẫn còn nhiều biến số khó lường. Dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tới giá cả mặt bằng trong nước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trường kinh tế năm 2024, PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị, công tác điều hành chính sách cần ưu tiên chú trọng đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine