ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 14h12 30/05/2024

Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến về 42 tiêu chí chuyển đổi số báo chí

(KDPT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các cơ quan về việc điều chỉnh, bổ sung mới đối với 42 tiêu chí đánh giá chuyển đổi số báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2023 về việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí (Bộ chỉ số); đã thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và công bố kết quả đánh giá năm 2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ kết quả đã triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Báo chí cập nhật Bộ chỉ số để đánh giá sát hơn thực tế chuyển đổi số báo chí năm 2024. Hiện, Cục Báo chí đang lấy ý kiến của các cơ quan về việc điều chỉnh, bổ sung mới (nếu có) đối với các tiêu chí đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi.

42 tiêu chí, được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm thành 5 trụ cột chính. Trong đó, trụ cột "Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin" được xem là quan trọng, gồm 19 tiêu chí liên quan đến hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin.

Đơn cử, về hạ tầng số, các cơ quan báo chí cần có kho lưu trữ dữ liệu chung để kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu số như video, hình ảnh, âm thanh,... Đồng thời, cần có kết nối Internet băng rộng cáp quang để đáp ứng nhu cầu truyền tải thông tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông: Cần đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ

Đối với nền tảng số, các tiêu chí then chốt bao gồm: Ứng dụng các phần mềm nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin bài, tác nghiệp từ xa; hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; ứng dụng phần mềm trực tuyến, công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây để xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, có đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số như: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, báo chí thị giác, siêu tác phẩm báo chí,...

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần thực hiện phân phối nội dung trên các nền tảng sẵn có hoặc tự xây dựng như trang web, ứng dụng mobile, smartTV,... Đồng thời, cần áp dụng hệ thống quản trị nội dung (CMS), nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung vào các quy trình nghiệp vụ để tối ưu hóa hoạt động. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mở các kênh thông tin trên mạng xã hội, ứng dụng không gian làm việc ảo, các nền tảng tiếp thị tiên tiến cũng là những yêu cầu quan trọng.

Nâng cao bảo mật, an toàn thông tin

Về an toàn thông tin, các cơ quan báo chí cần cài đặt phòng, chống mã độc cho máy chủ, máy trạm; phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin; định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; có đội ngũ chuyên trách bảo đảm an toàn thông tin.

Với những tiêu chí nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ quan báo chí chủ động đổi mới sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số hiện đại, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin đa dạng của người dân trong bối cảnh chuyển đổi số.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024