ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 21h19 25/05/2024

Chuyển đổi số báo chí: Thay đổi để tốt đẹp hơn

(KDPT) - Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay các tòa soạn cần đẩy mạnh thay đổi, bắt nhịp xu hướng công nghệ để hướng đến nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp.

Tòa soạn số là xu hướng tất yếu

Chuyển đổi số được hiểu là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quảnlý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh, từ đó tối ưu hoá quản trị tòa soạn; tạo ra những sản phẩm chất lượng, những trải nghiệm mới hấp dẫn, tiện ích và sự tiếp cận, tiếp nhận hiệu quả của công chúng, tăng các giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia. Một mô hình tòa soạn số, với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị tòa soạn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Kim Hậu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện nay, đại bộ phận các cơ quan báo chí cả nước đã lên mạng internet với 120/127 báo đã thực hiện loại hình điện tử; 149/673 tạp chí đã thực hiện loại hình điện tử. Một số cơ quan báo điện tử lớn đã được hỗ trợ chi phí thuê dịch vụ internet, băng thông, đường truyền, hosting máy chủ, CDN.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách làm báo hiện nay.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách làm báo hiện nay.

Mục tiêu chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí truyền thông không thể thực thi một cách máy móc, mà cần phù hợp với từng trường hợp, điều kiện hoạt động riêng biệt. Không có một mẫu số chung cho các cơ quan báo chí truyền thôngnhưng chuyển đổi số tại cơ quan báo chí truyền thông là sự chuyển đổi từ mô hình tổ chức tòa soạn, tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thống, đồng thời thay đổi về tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo cho tới tư duy của phóng viên trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật và công nghệ...

Mô hình “cơ quan báo chí - công nghệ” (media-tech) - một giải pháp chiến lược, một lựa chọn thích hợp với điều kiện của một số cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực; mô hình Hội đồng điều hành nội dung số tại Đài Truyền hình Việt Nam như một giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, đồng thời cũng là một dạng cơ chế quá độ để hình thành các tòa soạn số cho toàn đơn vị;… và nhiều mô hình khác nữa đang tồn tại, mỗi mô hình tòa soạn là một hình mẫu riêng, là một câu chuyện chuyển đổi số.

Việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất thông tin, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản và phân phối nội dung.Đó là hướng đi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng nhằm tạo nên một tòa soạn đa phương tiện hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng để mang lại những giá trị đột phá cho công chúng.

Các cơ quan báo chí nỗ lực chuyển đổi sốt, lựa chọn hướng đi phù hợp

Hiện nay các tòa soạn đang trên con đường tiến dần đến tòa soạn số theo nhiều cách khác nhau tùy từng cơ quan báo chí. Vấn đề chung đặt ra là quản trị sự chuyển đổi từ tòa soạn hiện nay sang tòa soạn số như thế nào để đạt được mục tiêu phát triển của các cơ quan báo chí. Đó là thách thức chung của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, đến nay, một số cơ quan báo chí đã chú trọng tới việc chuyển đổi số và đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số như: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, VnExpress,Tuổi trẻ, VTC News...Báo điện tử VietnamPlus thuộc Thông tấn xã Việt Nam, đã ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data, AI...

Yếu tố con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định của tiến trình chuyển đổi số.
Yếu tố con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định của tiến trình chuyển đổi số.

Báo Tuổi trẻ cũng tiến hành từng bước chuyển đổi số phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của đơn vị mình: sản xuất các chương trình truyền hình số kết hợp với nền tảng YouTube; xây dựng kênh Podcast; ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo chí; thực hiện phát triển nội dung số phù hợp với nhu cầu của công chúng trên cơ sở dữ liệu người dùng và tiến hành bức tường thu phí..., Tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa nhận định. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các robot đọc bài báo bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng đã được một số cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam,Báo Lao Động, Báo Thanh Niên, Báo Dân trí… đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, báo Thanh Niên trở thành đơn vị tiên phong ứng dụng AI trong báo chí vào ngày 5/1/2021. Đến nay, nhiều tờ báo Việt Nam cũng đã khai thác AI, nhưng ở mức sơ khai. Báo Tuổi Trẻ là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam, theo Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung, việc quản trị tòa soạn số cần xác định rõ sự kết hợp hài hòa giữa con người với công nghệ và quy trình, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định củatiến trình chuyển đổi số.

Do đó, các thành viên trong tòa soạn cần được truyền cảm hứng, chứ không phải bị bắt buộc hay để tự giác mạnh ai nấy làm, tới đâu hay tới đó. Nếu lãnh đạo truyền được cảm hứng cho cả đội ngũ thì sự chuyển đổi sẽ thuận buồm xuôi gió và kết quả sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng.

Lấy ví dụ về sự tăng trưởng vượt bậc của báo điện tử và kênh truyền hình, chỉ trong vòng 2 năm, các trang mạng xã hội của Báo Thanh niên đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số. Ðặc biệt, kênh YouTube của Báo Thanh Niên đã đạt mốc 5 triệu lượt người đăng ký theo dõi. Được xem là một trong những mô hình chuyển đổi số hiệu quả, truyền cảm hứng, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ: Chuyển đổi số, theo đúc kết từ các chuyên gia báo chí và truyền thông,luôn kéo theo việc thay đổi toàn diện mô hình kinh doanh, bao gồm cả tái định vị thị trường, xây dựng lại quy trình sản xuất và phân phối nội dung, đổi mới chiến lược marketing… Đây là những vấn đề mang tính nguyên lý căn bản, có quyết tâm là thực hiện được. Kinh nghiệm chuyển đổi số ở Báo Thanh Niên là đi từng bước nhỏ và bắt đầu từ con người, căn cứ trên điều kiện cụ thể của đơn vị…

Chuyển đổi số: “Thay đổi hoặc là chết”

Chậm thay đổi có nghĩa là chết. Chậm chuyển đổi số đồng nghĩa với việc tự loại bỏ mình ra khỏi cuộc đua cung cấp thông tin, thu hút độc giả. Do đó, phải hạn chế tối đa những điểm dừng không cần thiết trong quy trình làm việc ở mọi bộ phận. Thời gian tiết kiệm được, dù chỉ một giây, cũng là rất quý giá để tăng hiệu suất công việc từ cá nhân đến tập thể.

Hầu hết các cơ quan báo chí đều có nỗ lực lớn trong chuyển đổi số. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cả Trung ương và địa phương đều nhận thức đúng về tính sống còn trong chuyển đổi số, phát triển các dòng sản phẩm báo chí số, xây dựng và quản trị toà soạn số nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất. “Nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình toà soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình toà soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ chủ thể số, nội dung số, công nghệ số, công chúng số, kinh tế số, hệ sinh thái số”, Phó Giáo sư Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cũng nhấn mạnh việc chuyển đổisố trong cơ quan báo chí không phải bắt đầu một cuộc cách mạng lớn về công nghệ mà phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy của người đứng đầu cơ quan báo chí và công tác đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho báo chí. Khi đã hội tụ đủ những điều kiện cần như vậy, hãy bàn tới điều kiện đủ: vấn đề công nghệ.

Công cuộc chuyển đổi số là một chặng đường dài mà các cơ quan báo chí phải đi từng bước. Những bài học kinh nghiệm từ các mô hình chuyển đổi số tại các tòa soạn sẽ là cơ sở để từng tòa soạn soi chiếu với nguồn lực, điều kiện thực tế để lựa chọn cho mình mô hình, cách đi phù hợp và truyền cảm hứng cho sự thay đổi là điều cần làm để trong mỗi tòa soạn, các thành viên cùng đồng lòng, quyết tâm đổi mới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024