Bùng nổ xu hướng tiệm bách hóa trên sàn TMĐT: Chi phí thấp, doanh thu khủng
Thống kê trong năm 2023 của Metric, tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam là 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022.
Top 10 thương hiệu có doanh thu cao nhất năm |
Qua 6 năm phát triển thị trường TMĐT, ghi nhận các ngành hàng đứng đầu về doanh thu và sản lượng bán lẻ tại Việt Nam là Làm đẹp, Nhà cửa - Đời sống và Thời trang nữ. Đây là các ngành hàng có ưu thế lớn khi chiếm từ 11-25% thị phần doanh thu toàn thị trường TMĐT, nhu cầu tiêu dùng lớn, khả năng lưu kho và vận chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó, ngành Điện gia dụng, Điện thoại & Máy tính bảng đang có xu hướng dịch chuyển lên các sàn TMĐT.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng của các ngành hàng này vẫn rất tích cực. Cụ thể, ngành hàng Làm Đẹp năm qua đã tăng 52,2% doanh thu so với năm 2022, ngành Điện gia dụng tăng trưởng 55,1%. Tuy nhiên, đây chưa phải mức tăng ấn tượng nhất năm 2023.
Những thương hiệu lớn tìm cách tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, đầu tư vào các trang mall với những chính sách ưu đãi hấp dẫn người mua và đạt được những thành công nhất định khi ghi nhận doanh thu và sản lượng bán tăng nhanh chóng trong năm 2023.
Theo dữ liệu từ Metric, ngành hàng Thể thao & Du lịch có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất năm qua, lên tới 92,1% và số nhà bán tăng 3,1% so với năm 2022.
Đáng chú ý, dù ngành hàng Bách hóa - Thực phẩm mới chỉ đóng góp khoảng 5% tổng doanh thu, tương đương với 11.000 tỷ đồng, nhưng tăng trưởng lên tới 64,8% so với năm trước đó. Doanh thu này tới từ 69.000 gian hàng với 140 triệu đơn vị sản phẩm đã bán ra. Đặc biệt, tháng 7 ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất là 102%, còn tháng 9/2023 đạt doanh thu cao nhất là gần 1.000 tỷ đồng.
Doanh thu ngành hàng Bách hóa - Thực phẩm tương đương với hơn 1/3 doanh thu của hệ thống WinMart/ WinMart+, Bách Hóa Xanh |
Với mức doanh thu 11.000 tỷ đồng tương đương với hơn 1/3 doanh thu của hệ thống siêu thị WinMart/ WinMart+, hệ thống Bách Hóa Xanh. Được biết, hơn 3.600 điểm bán của WinMart/ WinMart+ đã đem về doanh thu 30.054 tỷ đồng trong năm 2023. Trong khi doanh thu của Bách Hoa Xanh ghi nhận được là 31.600 tỷ đồng.
Mức giá trung bình chung phải trả cho một sản phẩm thuộc ngành hàng Bách hóa - Thực phẩm trên sàn TMĐT năm 2023 là 80.000/sản phẩm. Phân khúc giá đem đến doanh thu ấn tượng và sản lượng bán ra tốt nhất là: 10.000-50.000 đồng và 50.000-100.000 đồng. Trên Shop Mall, phân khúc đem lại doanh thu nhiều nhất là: 350.000-500.000 đồng, 750.000-1.000.000 đồng, 1.000.000-1.500.000 đồng
Với lợi thế như không cần chi phí thuê địa điểm hay vận hành đông đảo nhân sự như cửa hàng trực tiếp, TMĐT hiện này đã thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ và cả các thương hiệu FMCG lớn.
Top 10 thương hiệu có doanh thu cao nhất năm 2023 cũng đều là các tên tuổi có tiếng như Ensure, Vinamilk, Tiger, TH, Nescafe, Milo...
TMĐT vốn không có lợi thế về việc bán sản phẩm tươi sống, do đó các sản phẩm thuộc ngành Bách Hóa - Thực phẩm là sữa bột, sữa tươi, bia, thực phẩm khô như bánh tráng, granola, cà phê hòa tan, gạo, dầu thực phẩm... thường bán chạy nhất.
Đơn cử, Thùng 12 Hộp Sữa tươi tiệt trùng Vinamilk 100% Không đường Hộp giấy 1L bán tại gian hàng chính hãng trên Lazada đã có hơn 100.000 lượt bán; Tại Gian hàng Ensure chính hãng trên Shopee ghi nhận ít nhất 6 sản phẩm có trên 10.000 lượt bán, hay có sản phẩm ghi nhận hơn 233.000 lượt bán.
Theo Metric, thị trường TMĐT sẽ tiếp tục có một năm 2024 bùng nổ. Trong đó, hình thức DTC - Direct to Consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng) ngày càng trở nên phổ biến hơn. Như vậy, thay vì thông qua các nhà phân phối, thì doanh nghiệp sản xuất hiện nay có thể bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng trên các sàn TMĐT. Từ đó cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn bộ quy trình hoạt động như sản xuất, Marketing và bán hàng. Hơn nữa, cũng giảm tối đa chi phí trung gian, giúp nâng cao lợi nhuận.
Hình thức DTC - Direct to Consumer ngày càng phổ biến |
Chẳng hạn, khi áp dụng B2B2C (Business to Business to Customer), nhà sản xuất phải mất từ 35-40% chi phí trên giá thành sản phẩm cho các đại lý. Nhưng khi bán trực tiếp trên sàn TMĐT, chi phí này chỉ còn khoảng 10%; Số tiền dư ra có thể trừ trực tiếp vào giá bán hay đầu tư vào tính năng sản phẩm.
Song, nhà sản xuất cần hiểu rõ quy trình hoạt động trên sàn TMĐT, nghiên cứu kỹ cách tiếp cận khách hàng, xây dựng chính sách bán hàng hợp lý nhằm cân đối mối quan hệ với nhà phân phối. Việc các nhà sản xuất bắt đầu kinh doanh trên các sàn TMĐT dự báo mở ra cuộc chiến giá cả khốc liệt trong năm 2024.
Một số lưu ý cho các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT
- Phân khúc sản phẩm giá thấp, trung bình từ 10.000-350.000 đồng có doanh thu và lượng sản phẩm bán cao nhất trên thị trường.
- Doanh thu Shop Mall năm 2023 tăng 20 nghìn tỷ đồng so với 2022.
- OEM (tên gọi chung cho những sản phẩm chưa có thương hiệu) ghi nhận sản lượng bán cao nhất, doanh thu đạt Top 3 trên cả 4 sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023.
- Chăm sóc da mặt và Trang điểm được người tiêu dùng quan tâm nhất trong ngành hàng Làm đẹp.
- Kể từ năm 2021 đến nay, ngành hàng Bách hóa - Thực phẩm có tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định, đạt mức trên 64%/ năm.
- Top 10 thương hiệu nhà bán ngành hàng Điện gia dụng đều là những thương hiệu nổi tiếng đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan.
- Dự báo năm 2024, mức tăng trưởng lên tới 35% so với năm 2023, đạt 310 nghìn tỷ đồng.
- 4 xu hướng hàng đầu trên các sàn TMĐT gồm: (1) DTC (trực tiếp tới người tiêu dùng); (2) AI, Machine Learning và phân tích Big Data tiếp tục lên ngôi; (3) người tiêu dùng quan tâm đến tiêu dùng bền vững; (4) Thế hệ Baby Boomer nở muộn chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm online./.