Năng lượng xanh là trụ cột cho các mục tiêu phát triển kinh tế
Xu hướng chuyển đổi xanh đã trở thành cuộc cách mạng mang tính toàn cầu
Ngày 31/3, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh “thế giới và Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Có thể thấy, chưa khi nào thế giới cùng một lúc vận động nhiều xu hướng phát triển như giai đoạn hiện nay. Có những xu hướng đã nhanh chóng trở thành cuộc cách mạng, trở thành kỷ nguyên phát triển mang tính toàn cầu, tất yếu, không thể đảo ngược, như: Cách mạng công nghiệp số, cách mạng công nghiệp xanh, kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), kỷ nguyên thông minh, kỷ nguyên xanh…”.

Trong các xu thế tất yếu đó, Việt Nam đã định hướng rõ nét con đường phát triển và xác định phải giải nhiều bài toàn cùng một lúc để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, Việt Nam đang chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số. Giai đoạn từ năm 2026 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số (tức từ 10% trở lên).
Cùng với đó là các cuộc cách mạng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tốc độ và mức độ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo ngày càng nhanh và phổ biến. Mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển Khoa học Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng Bình dân học vụ số.
Theo TS. Chử Văn Lâm, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng sự thay đổi mang tính chiến lược về phương thức hoạt động (gồm từ học tập, lao động, sản xuất) chủ yếu dựa trên nền tảng số, đòi hỏi các nguồn lực phục vụ cho quá trình này phải có những điều chỉnh và hoạch định phù hợp, hiệu quả hơn.
Cần giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch và bền vững
Trong bài phát biểu chào mừng, PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm phát triển năng lượng quốc gia, với chủ trương “năng lượng cần phải đi trước một bước” để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế-xã hội.
Điều này được thể hiện trong nhiều văn bản định hướng chiến lược như: Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, trong bối cảnh cần có sự tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, phát triển bền vững đất nước.

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó đã đưa ra định hướng cụ thể phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Đến nay, để khắc phục một số hạn chế đã bộc lộ và đáp ứng yêu cầu phù hợp với thực tiễn, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, bổ sung các nhà máy điện hạt nhân, mở ra cơ hội phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Cũng theo PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên. Giai đoạn 2026-2030, mục tiêu tăng trưởng đặt ra ở mức hai con số, kéo theo nhu cầu điện năng tăng gấp 1,5 lần, tương đương mức tăng từ 12% đến 16% mỗi năm.
Ông cho rằng, đây là một thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch và bền vững, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2026-2028 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mục tiêu đã đề ra.
"Quốc hội và Chính phủ đang hết sức nỗ lực, chỉ đạo khẩn trương thực hiện điều này, trong đó, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được tham vấn và tích cực hoàn thiện để thông qua nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển điện hạt nhân, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai", PGS, TS Huỳnh Thành Đạt thông tin. Dự án Luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân an toàn, bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Đồng thời, các quy định trong Luật giúp thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng hạt nhân trong phát điện, y tế, công nghiệp và môi trường. Nhờ đó, năng lượng hạt nhân có thể trở thành một giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ hệ sinh thái.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức liên quan đến xét duyệt đầu tư, nhân lực, công nghệ và thị trường. Hiện sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo đang chững lại. Ông cũng đưa ra hàng loạt vấn đề, trong đó Đối với năng lượng hạt nhân, theo ông Tuấn, quy mô phát triển các nguồn tích năng, linh hoạt, lưu trữ lớn, trong khi chưa có quy định thị trường và giá cả mua/bán điện cho các loại hình này. Các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, mặc dù đã có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ nhưng cần thêm thời gian để hoàn thiện các hành lang pháp lý./.