ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 16h10 26/06/2024

Đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp sinh thái

(KDPT) - Chuyển đổi xanh đang mang lại nhiều lợi ích cho các Khu công nghiệp sinh thái, thúc đẩy tăng hiệu quả nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)

Mô hình Khu công nghiệp sinh thái hiện nay tại Việt Nam

Khái niệm về Khu công nghiệp (KCN )  sinh thái đã có từ lâu trên thế giới và đã có nhiều mô hình KCN sinh thái thành công. Tuy nhiên phải đến năm 2014, khi dự án triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng với tổ chức phát triển công nghiệp liên hợp quốc (Unido) được triển khai thì khái niệm này mới được nhà đầu tư hạ tầng KCN, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp quan tâm nhiều hơn.

Sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình KCN sinh thái, 72 doanh nghiệp tham gia chương trình tại ba KCN thí điểm đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), giúp tiết kiệm điện nước, nguyên vật liệu hàng năm tương ứng 75 tỉ đồng thông qua cắt giảm khoảng 17,8 triệu kWh điện, 429 nghìn mét khối nước và một lượng đáng kể nguyên liệu, nhiên liệu.

Đáng chú ý, lợi ích môi trường từ chương trình này là mỗi năm giảm được 24,89 tấn C02, 4 tấn hóa chất, 3.335 tấn rác thải rắn và 429 m3 khối nước thải.

Còn theo kết quả của chương trình tổng kết Dự án KCN sinh thái giai đoạn 2020-2024, 88 doanh nghiệp tại 5 KCN đã thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí C02 hàng năm.

Chuyển đổi xanh Khu công nghiệp sinh thái mang đến nhiều lợi ích thiết thực

Chia sẻ về những lợi ích của chuyển đổi xanh đối với các KCN sinh thái, ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Shinec cho biết lợi ích mang lại là rất lớn, bao gồm: giảm tác động của biến đối khí hậu môi trường của khu công nghiệp; thúc đẩy tăng hiệu quả, tạo điều kiện cho sự gắn kết cộng đồng; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh. Các động lực như tiếp cận tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách, lợi ích kinh tế và cộng đồng thường được ghi nhận bởi hầu hết các trường hợp được phân tích trong nghiên cứu so sánh do UNIDO (2016) thực hiện.

Ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Shinec.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Shinec.

Đến nay Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh Carbon - những rào cản, tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, xuất xứ xanh đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu.

Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt

Liệt kê cụ thể hơn, từ góc độ cạnh tranh công nghiệp, các lợi ích chính cho Khu công nghiệp sinh thái mà các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN đó đều được hưởng lợi, gồm: Cung cấp một môi trường kinh doanh được cải thiện và năng động; - Giảm thiểu chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả và năng suất quy trình; - Tăng nhu cầu để cải thiện hiệu quả và tăng trưởng; - Giảm thiểu rủi ro tiếp xúc với sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên; - Cung cấp sự đảm bảo cho các bên liên quan về các mối quan tâm về môi trường và xã hội liên quan đến người tiêu dùng, cộng đồng địa phương, chính phủ và các nhà đầu tư; Cung cấp quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đại diện tập thể cho lợi ích kinh doanh.

Ngoài ra, KCN sinh thái mang lại nhiều lợi ích về môi trường như: Xanh hóa chuỗi cung ứng và giảm bớt các hạn chế về tài nguyên; Đảm bảo cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi với chi phí tài nguyên cao hơn và thích ứng với các rủi ro biến đổi khí hậu; Đáp ứng các mối quan tâm về môi trường và xã hội từ người tiêu dùng….

Còn nhiều vướng mắc, rào cản

Tuy nhiên, hiện nay trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, trong số 298 khu công nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng từ 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các Khu công nghiệp sinh thái.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022 quy định về quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng mới các KCN sinh thái, hoặc chuyển đổi từ mô hinh truyền thống sang. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi, các đơn vị gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể.

Đơn cử, Nghị định 35/2022 quy định KCN sinh thái là KCN mà các doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn. Còn theo Luật Môi trường, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sạch hơn là như thế nào, phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường ra sao… thì chưa có quy định cụ thể.

Hay xây dựng KCN phải có trong quy hoạch. Trong Luật Quy hoạch, nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng phải xác định hệ thống đô thị, nông thôn, KKT, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao…

Như vậy, trước khi cấp thẩm quyền quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập KCN sinh thái, có phải bổ sung KCN sinh thái vào nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng quy hoạch vùng đã được phê duyệt hay không… Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của 1 KCN sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các khu công nghiệp truyền thống. Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào KCN truyền thống, thay vì đầu tư vào KCN sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.

Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng).
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng).

Mặt khác, gần 2 năm vừa qua, chúng ta chưa có danh mục phân loại xanh để căn cứ vào đó, các Bộ, Ngành, địa phương, doanh nghiệp dựa vào đó để quyết định mình đầu tư, để tăng khả năng tiếp cập nguồn tín dụng xanh trong nước và quốc tế.

Việc “xanh hoá” này, còn một rào cản nữa đó chính là quy trình thẩm định KCN sinh thái trước khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận phải trải qua 6 Bộ ngành. Điều này rất mất thời gian, làm lỡ đi cơ hội của doanh nghiệp.

Thậm chí, đến nay, tiêu chí KCN sinh thái vẫn còn khá mơ hồ. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nêu khái niệm KCN sinh thái phải đảm bảo tiêu chí sạch hơn, có hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc trong các KCN khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong một khu hoặc các KCN khác nhau.

Giải pháp tháo gỡ

Kỳ vọng là vậy, nhưng khó thực hiện vì mỗi doanh nghiệp và cả KCN đều phải tuân thủ quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư của mình.

Trường hợp thay đổi, có thể phải xin thẩm định lại đánh giá tác động môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường, thanh khoản hải quan đối với nguyên liệu, phế liệu... được nhập khẩu theo loại hình gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu...

Do đó, phải quan tâm xây dựng khung khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi KCN cũ, truyền thống thành KCN sinh thái. Trong đó, cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, các ưu đãi cho KCN sinh thái.

Cũng cần sớm có luật về KCN, trong đó những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái.

Về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải quan tâm nhiều hơn đến KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy.

Ông Hoàng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh chính bản thân công ty CP Shinec trong quá trình xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền cũng đang gặp phải một số khó khăn như vậy. Tuy nhiên, với vai trò là một doanh nghiệp Việt, Shinec luôn tâm niệm bảo vệ môi trường tự nhiên và đồng hành cùng Chính phủ trên hành trình ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 02/07/2024