Phân tích xu hướng hiện tại và mới nổi trong lĩnh vực Kế toán và Tài chính
Hội thảo được Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu Tài chính toàn cầu tại Trường Đại học New South Wales (Úc), Đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman (Malaysia), Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB). Qua 8 lần tổ chức, Hội thảo ICOAF thực sự là thương hiệu vươn tầm quốc tế của riêng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và các đối tác.
Hội thảo ICOAF đóng vai trò là nền tảng cho sự hợp tác và phát triển ý tưởng đổi mới giữa các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học đi sâu phân tích các xu hướng hiện tại và mới nổi trong Kế toán và Tài chính ở cả quy mô trong nước và quốc tế. Hội thảo là diễn đàn năng động vượt qua ranh giới địa lý, quy tụ một cộng đồng học giả và học viên toàn cầu để cùng nhau giải quyết bối cảnh đang phát triển của các ngành này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận về các báo cáo khoa học với chuyên đề “Deciphering Corporate Communication: A Firm - Level Measure of Financial Reporting Risk” (Giải mã truyền thông doanh nghiệp: Thước đo rủi ro báo cáo tài chính ở cấp độ công ty) của Giáo sư Cameron Truong thuộc Đại học Monash (Úc); Diễn giả Lan Pay đến từ ICAEW (Anh quốc) với chủ đề “The analytical future of accounting” (Tương lai phân tích của kế toán).
Ngoài ra, tại các phiên tham luận chuyên sâu đã có 70 báo cáo khoa học là những công trình nghiên cứu được tuyển chọn và báo cáo đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ nhiều chủ đề mới, mang tính thời sự trong các lĩnh vực Kế toán và Tài chính của Việt Nam cũng như trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Năm nay, ICOAF tiếp tục truyền thống đáng tự hào kể từ khi được tổ chức thành công từ năm 2015. Hành trình của chúng tôi trong nhiều năm qua được đánh dấu bằng sự không ngừng theo đuổi kiến thức và nỗ lực phát triển của các học giả, nhà khoa học về lĩnh vực Kế toán và Tài chính. Tôi mong rằng, các đại biểu sẽ tham gia tích cực, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình cũng như đưa ra những dự đoán các xu hướng và thách thức trong tương lai về các lĩnh vực này”.
Trong khuôn khổ ICOAF-2024 còn diễn ra Phiên họp đặc biệt về tài chính bền vững với sự cộng tác của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh VNU (UEB). Đây là diễn đàn đối thoại chuyên sâu về tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng các hoạt động tài chính bền vững có thể tiếp cận và phù hợp với tất cả các bên liên quan, thúc đẩy cuộc đối thoại toàn diện và có tác động hơn với các chủ đề: Tác động của khí hậu và quản trị bền vững đến chính sách doanh nghiệp; Những đổi mới trong thực hành môi trường; Chính sách doanh nghiệp ứng phó với rủi ro biến đổi khí hậu; Khám phá ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và các thực hành bền vững; Trái phiếu xanh, tín dụng carbon và các công cụ tài chính bền vững; Động lực của thị trường tài chính xanh; Chiến lược của công ty trong việc thích ứng với những thay đổi trong chính sách môi trường; Đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và vai trò của nó trong việc thúc đẩy đổi mới xanh.
Bế mạc hội thảo, Ban tổ chức đã trao Best paper award cho nhóm tác giả: Aigbe Akhigbe, Eric Brisker, Duong với bài viết “CEO Inside Debt and the Sell-Off Decision” và Albane C. Tarnaud, Mohammed Zakriya với bài viết “CSR Disclosures and Firm Value: Disentangling the Role of ESG Rating Providers”.