ChatGPT và cơ hội của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
Giới công nghệ chia sẻ quan điểm về ứng dụng “siêu trí tuệ”
Trước làn sóng mang tên ChatGPT đang càn quét thế giới công nghệ với những lời khen có cánh, các kỹ sư công nghệ quốc tế và Việt Nam cho rằng đây là một “siêu trí tuệ” mới của nhân loại, là một bước tiến của thế giới.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT thực chất chưa phải là công nghệ AI hoàn hảo và còn nhiều lỗ hổng. Nhiều kỹ sư công nghệ của Việt Nam cũng cho rằng Chat GPT là một bước tiến hoặc thậm chí là bước đệm cho thế giới tương lai, nhưng ở hiện tại, nó chỉ dừng mở mức độ thú vị. Là một trải nghiệm mới mẻ cho người dùng, nó có thể vẽ tranh, viết văn bản bằng tiếng Anh, thậm chí là trò chuyện tâm sự. Chat GPT là bước tiến mới và nó đang góp phần tham gia vào việc thay đổi thế giới theo cách đặc biệt.
Anh Nguyễn Bá Ngọc, lập trình viên tự do cho biết “ChatGPT là một ứng dụng khá thú vị, nó giúp lập trình văn bản, sửa lỗi code sai, giải thích nguyên nhân và chỉ ra lỗi sai. Như vừa qua Vtv đã đưa tin, nó thậm chí còn có thể tạo ra một kịch bản phóng sự cho chương trình. Nhưng ChatGPT vẫn chỉ là robot, nó chưa có suy luận được như con người, viễn tưởng về việc thay thế hoàn toàn con người vẫn còn là một tương lai xa”.
Nhiều kỹ sư công nghệ còn lo lắng về việc giới trẻ sẽ lạm dụng vào ứng dụng AI này. Theo đó, nó dễ làm cho học sinh lười suy nghĩ cũng như phụ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng này để học và tìm đáp án cho những môn học khó như Toán hay Tiếng Anh. Đây cũng là lý do khiến nhiều trường học trên thế giới nghiêm cấm học sinh của mình sử dụng ChatGPT để tạo nội dung cho bài văn hay bài kiểm tra trong bất kỳ môn học nào.
Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội
Các ông lớn công nghệ trên thế giới hiện nay đang cạnh tranh nhau để thống lĩnh thị trường AI, giống như Google trong lĩnh vực tìm kiếm. Cơ hội cho các doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực hơn trong cuộc chiến này.
Những gã khổng lồ của làng công nghệ như Google, Facebook, Amazon hoặc Microsoft có nguồn lực rất lớn và phong cách đầu tư khá bài bản. Thông thường, họ sẽ hướng vào việc tạo lập ra các nền tảng, hệ sinh thái. Trên cái nền đó, các doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể dùng lõi công nghệ của những ông lớn để phát triển.
Với những công nghệ cần nguồn tài lực mạnh, doanh nghiệp tại các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ khó có khả năng đầu tư và việc đầu tư đi kèm nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, những công ty siêu quy mô sẽ không thể giải quyết các bài toán cụ thể, theo phạm vi hẹp, mang tính địa phương hóa. Đây là cơ hội cho các công ty Việt Nam có thể hợp tác với Big Tech ( những công ty có quy mô lớn và thống trị ngành công nghệ tại Hoa Kỳ) để phát triển.
Bên cạnh đó, các công ty AI của Việt Nam nên tham gia vào một số lĩnh vực hẹp của trí tuệ nhân tạo như thị giác máy tính hay camera thông minh. Ví dụ như tập đoàn Viettel, ông Nguyễn Mạnh Qúy – Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết tập đoàn đang tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính là xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, Viettel cũng đang phát triển thêm 2 lĩnh vực là Robotic, Digital Twin (bản sao số).
Hy vọng với những lợi thế riêng sẵn có, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ kịp thời nắm bắt cơ hội qua đó thúc đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển, tạo ra nền kinh tế số đất nước thật sự vững mạnh.