Nhiều chính sách mới được ban hành

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây như gói hỗ trợ 120.000 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, Nghị định 08 về quy định trái phiếu, Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đã có tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP kéo giãn kỳ hạn trái phiếu 2 năm mang tới kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian và điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể tháo gỡ các dự án đang vướng pháp lý, chuyển nhượng dự án (M&A) hay tích lũy dòng tiền từ các đợt bán hàng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Khi niềm tin các nhà đầu tư quay lại cùng với các dự án được tháo gỡ pháp lý thì việc phát hành huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại giúp cho việc thanh toán/thanh khoản dễ dàng hơn.

Nghị định 08 không chỉ giúp giảm tải áp lực cho doanh nghiệp mà còn có thể bảo vệ nhà đầu tư. Đối với các trái chủ không muốn gia hạn 2 năm, Nghị định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của họ vì vẫn cho họ quyền chọn lựa chứ doanh nghiệp không được tự ý gia hạn. Với những nhà đầu tư chưa có nhu cầu ngay, doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, không bán rẻ tài sản, từ đó bảo toàn giá trị tài sản trong thời gian ngắn hạn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra nhà đầu tư với số tiền chứng khoán ít hơn 2 tỷ nhưng có các khoản tiết kiệm nhàn rỗi ở ngân hàng có thể xem xét tham gia, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Khi thanh khoản tăng lên cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc phát hành mới, cũng như phân loại các doanh nghiệp.

Còn về Nghị Quyết 33, giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản sẽ sớm khơi thông những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường bất động sản (BĐS) để thị trường hồi phục, ổn định và phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, sự khác biệt trong quan điểm lần này của Chính phủ được thể hiện ở chỗ tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn; nhà ở phải có người ở, muốn có người ở phải phát triển sản xuất, dịch vụ, hạ tầng.

"Tháo gỡ khó khăn phải đi đôi với kiểm soát rủi ro. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế-dân sự, bảo vệ cán bộ làm đúng; hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững,..." là quan điểm chỉ đạo hết sức rõ ràng và cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Đính phân tích.

Nghị quyết cũng chú trọng hơn đến phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân; thường xuyên theo dõi giám sát thị trường để kịp thời xử lý chính sách với hiện tượng nóng hoặc đóng băng, tung tin thất thiệt, thổi giá, trục lợi,...

Quan điểm và mục tiêu của Chính phủ đã bám sát thực trạng những vấn đề tạo ra khó khăn, vướng mắc, lệch lạc của thị trường hiện tại, từ đó giao nhiệm vụ đến từng bộ, ngành liên quan với những nhóm vấn đề sát thực tiễn.

Giảm lãi suất điều hành

Lần đầu tiên trong hai năm qua, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành. Theo đó, kể từ ngày 15/3, các mức lãi suất điều hành chính thức được điều chỉnh giảm 0,5 - 1 điểm %.

NHNN quyết định hạ một số lãi suất điều hành chủ chốt từ 0,5% - 1%
NHNN quyết định hạ một số lãi suất điều hành chủ chốt từ 0,5% - 1%.

NHNN cho biết, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, thời gian gần đây, ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 2, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã ổn định và có xu hướng giảm.

Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2023 và bắt đầu giảm từ giữa tháng 2/2023. Theo số liệu của VNDirect tính đến ngày 9/3/2023, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) tư nhân là 7,5% và 7,8%, giảm lần lượt 38 điểm cơ bản và 41 điểm cơ bản từ cuối tháng 1/2023. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các NH TMCP Nhà nước là 5,8% và 7,2%, giảm 20 điểm cơ bản so với cuối tháng 1/2023.

Mục tiêu tín dụng cao hơn năm 2022

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 - 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2023, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp (tín dụng toàn nền kinh tế tăng chưa tới 1% so với cuối năm 2022).

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

NHNN quyết định hạ một số lãi suất điều hành chủ chốt từ 0,5% - 1%

Tính đến ngày 9/3/2023, huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022.

NHNN cũng cho biết đã rà soát, đánh giá và thấy rằng các điều kiện cho vay được giữ nguyên, không thắt chặt, từ đầu năm các ngân hàng không bị hạn chế về room tín dụng, thanh khoản hệ thống dư thừa,…

Do đó, việc tín dụng tăng trưởng chậm có một số nguyên nhân.Thứ nhất là do hai tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch bệnh, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.

Đặc biệt, tín dụng cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Những năm trước, tín dụng vào lĩnh vực này tăng cao, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Động thái giảm một số loại lãi suất điều hành của NHNN được kỳ vọng sẽ giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới.