Chỉnh sửa ảnh bằng công nghệ AI tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin người dùng
Xu hướng chỉnh sửa ảnh bằng công nghệ AI gây sốt
Gần đây, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh AI (trí tuệ nhân tạo) đang rộ lên trở lại, thu hút hàng triệu người dùng nhờ các tính năng mới như làm đẹp, trẻ hóa hay hoán đổi giới tính chỉ trong vài giây.
Tuy nhiên, người dùng ít để ý rằng khi tải ảnh lên những ứng dụng này, dữ liệu cá nhân có thể bị thu thập và sử dụng mà người dùng không hề hay biết. Nhiều ứng dụng còn yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ, camera, micro, thậm chí cả vị trí, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin. Nếu không cẩn trọng, người dùng có thể vô tình trao dữ liệu của mình cho các nền tảng không rõ nguồn gốc, đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng hoặc rò rỉ thông tin.
Gần đây, ứng dụng Beautycam sử dụng AI ghép trang phục, giúp tạo ra những bức ảnh độc đáo, nhưng tiềm ẩn nguy cơ tin giả, hình ảnh phản cảm. Trên kho ứng dụng App Store, các app như Beautycam, BeautyPlus, Fitroom - thay quần áo AI đang liên tục nằm trong số những ứng dụng được tải về nhiều nhất từ ngày 19/2 tại Việt Nam.

Trào lưu này bắt đầu sau khi Beautycam, thuộc Meitu của Trung Quốc, tung ra tính năng Tủ đồ AI ngày 18/2, trong đó người dùng đưa vào ảnh chân dung, chọn trang phục có sẵn với khoảng 70 bộ khác nhau. Ứng dụng mất 1-2 phút để chạy tính năng "thay đồ", tạo ảnh với trang phục mới, còn bối cảnh và khuôn mặt giữ nguyên. Do đó trên mạng xã hội đang tràn ngập ảnh của hàng loạt người cùng mặc váy giống nhau.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) cho biết, mấy ngày gần đây các ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI đột nhiên hot trở lại trên các nền tảng mạng xã hội, mới nhất là ứng dụng chỉnh sửa quần áo, trang phục theo các mẫu có sẵn.
"Trào lưu sử dụng ứng dụng (app) để tạo ra các hình ảnh gây cười hoặc độc đáo có thể ngay lập tức thu hút được người dùng. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là những ứng dụng kiểu này sẽ đòi hỏi quyền truy cập thư mục ảnh trên thiết bị. Đây là quyền hết sức nhạy cảm và nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân là rất cao", ông Vũ Ngọc Sơn cảnh bảo.
Chuyên gia an ninh mạng TS. Đoàn Trung Sơn - Giám đốc chương trình An toàn thông tin (trường CNTT, Đại học Phenikaa) - khẳng định khi sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc có thể tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu mà phần lớn dữ liệu này phục vụ việc mua bán kiếm lợi nhuận của một số công ty công nghệ.
"Việc cung cấp dữ liệu cá nhân như ảnh chụp cho phần mềm tạo ảnh mặc váy hồng có thể dẫn đến bị mất dữ liệu, trong đó có thông tin cá nhân nhạy cảm, thậm chí là thông tin sinh trắc học của người dùng. Thông tin này gây mất an toàn cho người dùng khi xác thực sinh trắc học ngày càng phổ biến”, TS. Đoàn Trung Sơn nêu.
Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng
Với sự phát triển của AI hiện nay thì hình ảnh là những dữ liệu rất giá trị. AI có thể cho biết một người là ai, sở thích thế nào, thường đi những đâu, thậm chí là quen với những ai... chỉ thông qua các bức ảnh. Do vậy, việc thu thập ảnh và bán lại cho các công ty khai thác, sử dụng dữ liệu là khá phổ biến. Hậu quả trước mắt có thể người dùng sẽ nhận nhiều quảng cáo, làm phiền. Lâu dài có thể ảnh bị lợi dụng để phục vụ các mục đích khác như lừa đảo, tống tiền.
Một trong những nguy cơ lớn nhất từ các ứng dụng chỉnh sửa ảnh hiện nay là việc thu thập dữ liệu sinh trắc học. AI không chỉ giúp người dùng biến đổi ngoại hình mà còn có thể quét và lưu trữ các đặc điểm nhận dạng khuôn mặt, thậm chí cả vân tay trong một số trường hợp.
Những dữ liệu này vô cùng nhạy cảm, bởi nếu bị đánh cắp hoặc lợi dụng, chúng có thể được sử dụng để giả mạo danh tính, tạo hồ sơ ảo hoặc thậm chí thực hiện các giao dịch tài chính bất hợp pháp. Không giống như mật khẩu có thể thay đổi, dữ liệu sinh trắc học là duy nhất và không thể làm mới, vì vậy mức độ rủi ro của việc bị lộ lọt là rất nghiêm trọng.
Chuyên gia khuyên, nếu không thực sự biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của ứng dụng, bạn không nên tải về các ứng dụng kiểu này. Không gian mạng nguy hiểm, nhưng dữ liệu có bị lộ lọt hay không một phần do ý thức của chính bạn.
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn đề xuất người dùng ba phương pháp để tránh những ứng dụng gây hại, bao gồm: xem xét nguồn gốc ứng dụng, xem xét thông tin về nhà sản xuất và xem xét quyền truy cập của ứng dụng.
Anh Hoàng Bài (Hà Nội) chia sẻ: Tôi từng tải một ứng dụng chỉnh sửa ảnh AI để thử trào lưu trên mạng. Kết quả rất ấn tượng, nhưng sau đó, tôi chợt nhận ra ứng dụng yêu cầu quá nhiều quyền truy cập, từ danh bạ, camera đến vị trí. Dù biết có rủi ro, nhưng vẫn dùng vì tò mò và tiện lợi. Giờ tôi đã cẩn thận hơn, chỉ chọn những ứng dụng có chính sách rõ ràng và hạn chế tải lên ảnh cá nhân.
Nếu không thực sự biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của ứng dụng, bạn không nên tải về các ứng dụng kiểu này. Anh Hoàng Bài cho hay.
Để kiểm tra một ứng dụng chỉnh ảnh có đáng tin cậy, TS. Đoàn Trung Sơn khuyên người dùng không nên sử dụng các ứng dụng trực tuyến chỉnh sửa ảnh vì nguy cơ mất dữ liệu cá nhân là rất cao.
"Không nên cấp quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên thiết bị khi cài đặt ứng dụng. Đặc biệt là không nên cài đặt ứng dụng trên thiết bị nếu nhu cầu chỉnh sửa ảnh chỉ mang tính cảm tính nhất thời, đua theo xu hướng mạng xã hội", TS. Đoàn Trung Sơn nêu./.
- Doanh nghiệp công nghệ và cơ hội đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI) vào Việt Nam
- Mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới của DeepSeek tạo nên những tranh cãi trong giới công nghệ