ISSN-2815-5823

Chuỗi Bách Hóa Xanh bứt phá doanh thu, giành ngôi ‘quán quân‘ với 31.600 tỷ đồng

Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 31.600 tỷ đồng - tăng 17% so với năm 2022. Con số của Wicommerce trong năm 2023 là 30.054 tỷ đồng và Saigon Co.op là 30.000 tỷ đồng.

Trong năm qua đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thế trận của các đại gia bán lẻ kênh siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Nếu như năm 2022, Saigon Co.op lấy lại vị trí số 1 về doanh thu thì đến năm 2023 đã phải ngậm ngùi nhường lại cho Bách Hóa Xanh của nhà Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG).

Chuỗi Bách Hóa Xanh bứt phá doanh thu, giành ngôi ‘quán quân’ với 31.600 tỷ đồng
Bách Hóa Xanh có thể coi là ‘tân binh’ vì có tuổi đời khá trẻ khi so sánh với Saigon Co.op, Central Retail hay chuỗi Wincommerce (có tiền thân là Vincommerce). (Ảnh minh họa)

Bách Hóa Xanh có thể coi là ‘tân binh’ vì có tuổi đời khá trẻ khi so sánh với Saigon Co.op, Central Retail hay chuỗi Wincommerce (có tiền thân là Vincommerce). Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 31.600 tỷ đồng - tăng 17% so với năm 2022. Con số của Wicommerce trong năm 2023 là 30.054 tỷ đồng và Saigon Co.op là 30.000 tỷ đồng.

Sự bứt phá này xảy ra chỉ sau 1 năm chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh công bố chiến lược tái cấu trúc toàn diện, đặc biệt là trước thềm IPO cũng như bán vốn cho đối tác ngoại. Thông tin từ Reuters cho biết, CDH Investments đến từ Trung Quốc hiện tại đang có ý định đàm phán để mua lại cổ phần thiểu số của Bách Hóa Xanh từ MWG. Nếu thỏa thuận thành công, chuỗi Bách Hóa Xanh có thể được định giá ở mức 1,7 tỷ USD.

Cụ thể, nguồn tin này cho biết: “CDH Investment đang tính toán mua lại 5-10% cổ phần của Bách Hóa Xanh”. Hiện tại, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, vẫn chưa chắc chắn có xảy ra hay không.

Chuỗi Bách Hóa Xanh bứt phá doanh thu, giành ngôi ‘quán quân’ với 31.600 tỷ đồng
Đây là lần đầu tiên chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 31.600 tỷ đồng - tăng 17% so với năm 2022.

Năm 2022 là lần đầu tiên Thế giới Di Động công bố về kế hoạch bán một phần vốn thiểu số của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Kế hoạch này sau đó đã tạm dừng với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi. Đến năm 2023, quá trình bán chuỗi này lại được tái khởi động, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC cùng nhiều công ty từ Thái Lan.

Theo thông tin từ MWG, chuỗi Bách Hóa Xanh không chỉ tăng trưởng mạnh về doanh số mà còn đạt mục tiêu hòa vốn vào tháng 12/2023 (doanh thu bình quân là 1,8 tỷ đồng/cửa hàng). Kết quả này đạt được sau khi mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại, dựa trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi của chuỗi này, không bao gồm các chi phí phát sinh một lần đã hạch toán hết trong quý IV cùng một phần chi phí khấu hao liên quan đến việc nâng hạ diện tích cửa hàng.

Lịch sử hình thành của Bách Hóa Xanh

Sau khi 2 ngành hàng chính là di động và điện máy đi vào giai đoạn bão hòa, CTCP Đầu tư Thế giới Di động rẽ sang một sân chơi mới cùng sự hình thành của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Đến cuối năm 2015, cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên đã chính thức có mặt trên thị trường. Cuối năm sau đó, chuỗi này đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm với hơn 40 cửa hàng, siêu thị tập trung tại quận Tân Phú và Bình Tân (TP.HCM). Đến năm 2018, chuỗi này cho biết đã tìm ra được công thức thành công. Đồng thời, đây cũng là năm lãnh đạo MWG tuyên bố sẽ dốc toàn lực cho Bách Hóa Xanh cùng tham vọng ‘bá chủ’ thị trường bán lẻ thực phẩm.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đến năm 2020 đã vươn lên trở thành bệ đỡ tăng trưởng chính của Thế giới Di Động. Trong năm này, doanh thu của Bách Hóa Xanh cao gấp đôi năm liền trước, đóng góp 20% tổng doanh thu của toàn công ty.

Chuỗi Bách Hóa Xanh bứt phá doanh thu, giành ngôi ‘quán quân’ với 31.600 tỷ đồng
Năm 2021, cả doanh thu và quy mô của chuỗi cửa hàng này đều đạt đỉnh; doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng cùng hơn 2.100 cửa hàng, tăng gấp 45 lần sau 6 năm.

Bách Hóa Xanh cùng phương châm là điểm mua sắm tiện lợi cùng giá cả phải chăng đã nhanh chóng ghi điểm trong mắt người tiêu dùng ngay trong những năm đầu hoạt động. Đến năm 2021, Bách Hóa Xanh tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng chính của Thế giới Di Động. Theo đó, cả doanh thu và quy mô của chuỗi cửa hàng này đều đạt đỉnh; doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng cùng hơn 2.100 cửa hàng, tăng gấp 45 lần sau 6 năm.

Tuy nhiên, các chỉ số của Bách Hóa Xanh đã quay đầu giảm mạnh khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chưa kể, việc vướng vào khủng hoảng truyền thông trong giai đoạn cao điểm dịch năm 2021 cùng việc ông Trần Kinh Doanh rời đi khiến nhiều người nghi ngờ về hướng đi của Bách Hóa Xanh. Nhiều người cho rằng, chiến lược cũ từng được MWG áp dụng thành công trong mảng di động và điện máy khiến Bách Hóa Xanh mở rộng quá nhanh, gặp phải nhiều vấn đề lẫn thách thức.

Doanh số tăng trưởng mạnh, nhưng áp lực đầu tư đã khiến Bách Hóa Xanh ước tính lỗ đến 10% doanh thu/năm. Trong đó, công ty ghi nhận khoản lỗ lớn nhất vào năm 2022 với gần 3.000 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 cho đến nay, Bách Hóa Xanh đã lỗ tổng cộng hơn 8.053 tỷ đồng, bao gồm 7.854 tỷ đồng còn có thể chuyển lỗ sang năm sau với mục đích bù trừ lợi nhuận (tính trong khoảng thời gian 5 năm kể từ ngày phát sinh khoản lỗ).

Tuy nhiên, theo như bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 được thực hiện bởi Brand Finance, Bách Hóa Xanh dù thua lỗ nhưng vẫn đứng vị trí 29 với giá trị thương hiệu được ước tính ở mức 315 triệu USD (tương đương khoảng 7.490 tỷ đồng), so với năm 2022 đã tăng 13,2% (năm 2022 ở mức 279 triệu USD)./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024