ISSN-2815-5823

Chương trình “Vu Lan – Đạo hiếu & Dân tộc 2025” lan tỏa tinh thần tri ân, đạo hiếu và lòng yêu nước

(KDPT) - Chiều 3/6, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Thương mại đa phương tiện tổ chức họp báo công bố Chương trình “Vu Lan – Đạo hiếu & Dân tộc 2025”.

Chương trình sẽ diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9/2025 với chuỗi hoạt động ý nghĩa tại nhiều địa phương trên cả nước, hướng tới các giá trị nhân văn, đạo lý và văn hóa dân tộc.

Phát biểu tại họp báo, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Đạo hiếu là gốc rễ của đạo làm người, là nền tảng đạo đức xã hội. Vu Lan là dịp để mỗi người con đất Việt tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, đồng thời tri ân những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Đây cũng là dịp để Phật giáo lan tỏa tinh thần Tứ trọng ân: Ân cha mẹ sinh thành, Ân Tam bảo sư trưởng, Ân quốc gia xã hội và Ân chúng sinh vạn loại”.

Chuỗi hoạt động giàu tính nhân văn

Năm nay, chương trình có nhiều hoạt động phong phú như:

Hành trình tri ân – Thắp nén tâm hương giữa đất thiêng Quảng Trị (27/7): Lễ tưởng niệm và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, trao quà cho gia đình chính sách, người có công.

Hành trình ươm mầm – Tiếp sức đến trường nơi núi rừng Tây Bắc (tháng 8): Tặng học bổng, sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo hiếu học tại Hà Giang.

Họp báo Chương trình Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2025. Ảnh Đức Dũng
Họp báo Chương trình Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2025. Ảnh Đức Dũng

Cuộc thi viết và vẽ tranh online “Thắp đạo hiếu – Sáng hồn dân tộc” (3/6 – 31/7): Dành cho công dân từ 10 tuổi trở lên với các hình thức: bài viết, truyện ngắn, thơ, video, tranh vẽ... Các tác phẩm xuất sắc sẽ được tuyển chọn in sách và tuyên dương tại lễ tổng kết.

Đêm nghệ thuật Vu Lan – Hồn thiêng Tổ quốc (30/8): Tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, quy tụ các nghệ sĩ biểu diễn ca ngợi đạo hiếu, lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Theo Ban tổ chức, chương trình năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn: 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thống nhất đất nước (1975 – 2025). Đây là dịp đặc biệt để giáo lý nhà Phật tiếp tục lan tỏa giá trị đạo hiếu trong đời sống hiện đại.

Chương trình “Vu Lan – Đạo hiếu & Dân tộc 2025” là cầu nối giữa đạo và đời, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội từ bi, nghĩa tình, nhân văn.”

Năm yếu tố cốt lõi của đạo hiếu trong đời sống hiện đại

Chương trình năm nay tiếp tục nhấn mạnh 5 yếu tố cốt lõi của đạo hiếu trong đời sống hiện đại:

Hiếu Đạo - Cội nguồn tâm linh: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, lời dạy này không chỉ nhắc nhớ đạo làm con, mà còn là nền tảng của người học đạo. Hiếu Đạo là gốc rễ để người con Phật trưởng thành trong trí tuệ và từ bi. Hiếu, bắt nguồn từ lòng tôn kính Tam Bảo, từ sự hướng về ánh sáng của chân lý và đạo lý làm người. Người có Hiếu Đạo là người sống biết hướng thượng, biết gìn giữ phẩm hạnh và tu tập để trở nên tốt lành hơn, không chỉ cho bản thân, mà còn cho cả những người mình thương kính.

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại họp báo.
Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại họp báo.

Hiếu Kính - Trọn vẹn nghĩa tình: Hiếu không chỉ là tình thương, mà còn là lòng biết ơn và tôn kính. Hiếu Kính dạy ta sống khiêm nhường, lễ độ và trân quý giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình và xã hội. Lòng hiếu không dừng ở suy nghĩ hay lời nói, mà thể hiện nơi ánh mắt tôn trọng, nơi hành động yêu thương, nơi nếp sống biết ơn và đền đáp. Hiếu Kính là thái độ sống trân quý với mẹ cha, ông bà, thầy tổ và những người đã nâng đỡ ta bằng cả trái tim.

Hiếu Lễ - Nếp sống văn hóa: Hiếu Lễ thể hiện qua cách ứng xử, qua lời ăn tiếng nói, qua mỗi lần cúi đầu lễ cha mẹ, lạy Phật và tôn trọng những quy ước thiêng liêng trong đời sống văn hóa dân tộc. Biết cúi đầu lễ phép, biết nói lời chừng mực, biết sống hòa ái với người, đó là biểu hiện của Hiếu Lễ. Không có lòng hiếu nào thật sự trọn vẹn nếu thiếu đi sự tế nhị, khiêm cung và nét đẹp ứng xử nơi từng điều nhỏ trong đời sống hàng ngày.

Hiếu Trung - Lòng son với dân tộc: Tổ quốc là nơi khởi đầu và kết thúc của từng hành trình báo hiếu. Hiếu Trung là sự hy sinh thầm lặng, là biết ơn người có công, là hành động sống vì cộng đồng và vì những điều cao đẹp hơn bản thân mình. Hiếu, còn là lòng trung hậu với đất nước, sự tận tụy với cộng đồng, là khi một người biết sống vì nghĩa lớn. Trung hiếu không rời nhau, người có lòng hiếu với tổ tiên tất sẽ là người có tâm huyết với quốc gia, sẵn lòng dấn thân cho công ích và tương lai chung.

Hiếu Tín - Giữ trọn niềm tin: Là giữ lòng thành thật, tin sâu nhân quả, sống xứng đáng với niềm tin cha mẹ và xã hội trao gửi. Người con hiếu hạnh là người sống ngay thẳng, giữ chữ tín, làm tròn bổn phận - như lời Phật dạy: “Không gì cao quý bằng chữ Tín, không gì bền vững bằng lòng Hiếu”.

Hiếu cũng là giữ lời, là sống có tình, có nghĩa. Làm con, làm người, sống sao để cha mẹ yên lòng, để xã hội tin tưởng, đó chính là Hiếu Tín. Là sự kết tinh giữa lòng thành và hành động, giữa đức tin và đức hạnh.

Trong Phật giáo, chữ Hiếu không chỉ biểu hiện nghĩa vụ của con cái với cha mẹ, mà còn mở rộng ra hiếu với đạo pháp, hiếu với cộng đồng – quốc gia – dân tộc, hiếu với cuộc đời: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh: “Chương trình ‘Vu Lan – Đạo hiếu và Dân tộc 2025’ là nén tâm hương tri ân dâng lên hương linh các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Vu Lan không chỉ là một mùa lễ, mà là hành trình sống để tri ân, để đạo hiếu thấm đượm vào đời sống của từng gia đình, cộng đồng, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc.” Giữa muôn hương hoa cuộc đời, chỉ có hương của lòng hiếu hạnh “tâm hương” là thứ hương vượt lên mọi quy luật của tạo hóa, lan tỏa không ngừng.

Với thông điệp “Hãy yêu thương khi còn có thể, hãy báo hiếu bằng hành động và hãy để hiếu hạnh trở thành ngọn đuốc soi sáng đường đời”, chương trình Vu Lan – Đạo hiếu & Dân tộc 2025 được kỳ vọng tiếp tục khơi nguồn những giá trị tốt đẹp và bền vững cho xã hội./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025