Cơ hội chiến lược của Việt Nam trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu
Các ngành, lĩnh vực đang có nhiều dịch chuyển, bao gồm: dệt may, thiết bị điện tử, viễn thông, phụ tùng, linh kiện ô-tô... (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại nhà máy dệt ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Ảnh: AFP

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng

Kinh tế toàn cầu đã xuất hiện 3 xu thế nổi bật phải kể đến là: Xu thế toàn cầu hóa. Với sự hội nhập mở cửa của Việt Nam, xu thế này đã làm tăng cơ hội tham gia sản phẩm tại Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cơ hội tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài, công nghệ mới vào với chi phí thấp cũng như cơ hội tiếp cận nguồn dữ liệu xuyên biên giới chưa từng có.

Tiếp đến là xu thế chuyển dịch kinh tế toàn cầu. Với sự chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng của các nước ra khỏi Trung Quốc. Đặc biệt là sau đại dịch, các công ty lớn của Hoa Kỳ (như Apple, Intel…) có xu hướng mới đi tìm nguồn cung của họ ngoài Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia có trình độ cao, cũng như gia tăng cơ hội hợp tác liên chính phủ về kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật để tạo đà phát triển, đón nhận và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một trong những xu thế lớn phải kể đến tại thời điểm này đối với Việt Nam đó là xu hướng rời chuỗi cung ứng ra khỏi các khu vực có sự bất ổn chính trị do chiến tranh giữa Nga và Ukraina bắt đầu từ năm 2022. Xu thế này đã tạo cơ hội đáng kể cho Việt Nam trong việc tiếp cận tốt hơn thị trường Tây Âu mà các doanh nghiệp nước ngoài khi rời khỏi Nga đã bỏ lại khoảng trống thị phần; cũng như tiếp nhận thêm nguồn FDI có xu hướng di chuyển vào khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định, trong đó có Việt Nam.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc hiện vẫn là “công xưởng của thế giới” và chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu. Quốc gia này sở hữu những lợi thế cạnh tranh nổi bật như cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, trình độ nhân lực cao và có khả năng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, việc giá lao động Trung Quốc tăng cao khiến thị trường này không còn thu hút như trước, đặc biệt khi các ưu đãi để các doanh nghiệp quay trở lại đặt nhà máy tại chính quê hương đang được tính đến. Hiện nay, các công ty nước ngoài, ví dụ như Apple, đã giảm bớt việc thành lập các nhà máy mới ở Trung Quốc.

Khi tìm kiếm những lựa chọn ngoài Trung Quốc để di chuyển các nhà máy sản xuất, Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng với khoảng cách địa lý gần, nhân công có tay nghề với chi phí cạnh tranh và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Có thể kể tới như, Apple đã chuyển xong 11 nhà máy thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Intel cũng mở rộng giai đoạn hai của nhà máy kiểm định chip với mức đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Hay Lego của Đan Mạch đã đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương với số vốn 1 tỷ USD....

Sau một thời gian dài nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các tập đoàn lớn của Mỹ như: Boeing, Google, Walmart đã thông báo tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại đây. Đáng chú ý nhất hiện nay là Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về Việt Nam và Ấn Độ.

Có nhiều tập đoàn lớn khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam...

Những dòng vốn này liên tục tăng mạnh thời gian qua. Trong đó, lĩnh vực điện tử được các tập đoàn toàn cầu đặc biệt chú ý. Như việc Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Một nhà cung cấp linh kiện cho Samsung là Công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) mới đây cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án với tổng vốn lên tới 100 triệu USD.

Cơ hội chiến lược của Việt Nam trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu
Dây chuyền sản xuất và lắp ráp sản phẩm tại nhà máy Daikin Việt Nam.

Đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thực tế, với chính sách hợp lý, vị trí địa lý với "mặt tiền biển Đông", chính trị ổn định và sự hội nhập mở cửa của Việt Nam, đang làm tăng cơ hội tham gia sản phẩm tại Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam tăng cơ hội tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài, công nghệ mới vào với chi phí thấp cũng như cơ hội tiếp cận nguồn dữ liệu xuyên biên giới chưa từng có.

Tuy nhiên, lợi thế cũng đi kèm các thách thức, như sản phẩm Việt Nam đang phải cạnh tranh trên chính thị trường nội địa; yêu cầu về tăng năng suất, chất lượng tạo sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp; tạo áp lực đổi mới về thể chế và chất lượng nguồn nhân lực cũng như sức ép về sự đổi mới phương thức quản lý nguồn nhân lực; Sức ép về gia tăng vốn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng…

Theo các chuyên gia, để tận dụng tốt nhất cơ hội chiến lược từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn câu, Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ quản trị và minh bạch chính sách, cùng với tái cấu trúc chuỗi cung ứng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn để tận dụng chuỗi cung ứng. Không những vậy, Việt Nam cần triển khai chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược cấp quốc gia. Như vậy chúng ta mới có thể tiếp cận trực tiếp với “đại bản doanh” của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã hiệu lực, song Việt Nam cần tập trung khai thác hiệp định thương mại tự do để xây dựng chuỗi cung ứng mới thông qua hoạt động thu hút, liên kết đầu tư trong nhiều lĩnh vực; thúc đẩy cơ chế liên kết trong chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động tính toán kế hoạch thay đổi chuỗi cung ứng và đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận các đơn hàng từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như dòng dịch chuyển đầu tư từ các chuỗi cung ứng toàn cầu về Việt Nam.

Nếu như trước đây Việt Nam luôn tận dụng được lợi thế về nhân công giá rẻ, hiện nay chi phí nhân công ngày càng tăng khiến lợi thế này suy giảm. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng vẫn tập trung ở khâu trung gian, sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Hạn chế hơn là nguồn nguyên vật liệu chính cho sản xuất chế biến chế tạo, dệt may, da giày phần lớn đều phải nhập khẩu.

Chính vì vậy theo đánh giá của ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), điều các các doanh nghiệp FDI quan tâm nhất hiện nay khi đầu tư vào Việt Nam, chính là khả năng cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. “Để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, Cục Công nghiệp tiếp tục xây dựng chính sách, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp; thiết kế các chương trình kết nối, hợp tác cung ứng sản phẩm giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Hoàn khẳng định.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam khi trình độ tay nghề của lao động nước ta còn thấp. Do đó, việc đào tạo tay nghề cho lao động ở các ngành liên quan đến lợi thế thu hút FDI cần được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa. Ngoài ra, liên kết ngành cần được đẩy mạnh, trong đó cần thống nhất vai trò của từng đối tượng, từng khâu trong chuỗi cung ứng, hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả liên kết và phát triển bền vững chuỗi cung - cầu.

Ông Huỳnh Kim Tôn, Trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh nhận định, để đẩy mạnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có quy hoạch tổng thể và sự phối hợp giữa các bên từ chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo và cả doanh nghiệp trong nhiều năm. Theo ông, vấn đề trước mắt, các doanh nghiệp cần phải ứng dụng ngay những công cụ mới nhất của thế giới, trí tuệ nhân tạo, số hóa và tự động hóa là xu hướng không thể đảo ngược trên phạm vi toàn cầu. Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Chiến lược quản trị tốt và giải pháp linh hoạt để thu hút nguồn chất xám cũng chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Việc tranh thủ được cơ hội tới đâu và có vượt qua được thách thức hay không phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, ý chí và nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019, của Bộ Chính trị (khóa XII), “Về đinh hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, có chủ trương xuyên suốt là thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết này, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề đặt ra là cần sớm đưa các chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn đi vào cuộc sống bằng các biện pháp căn cơ và quyết liệt.

Bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực khoa học - công nghệ và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan liên quan cần sớm có quy định, chính sách ưu đãi cụ thể đi kèm với điều kiện được hưởng ưu đãi để thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực, như hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng ở Việt Nam, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu - phát triển tại Việt Nam, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định có tính sàng lọc đầu tư nước ngoài, như quy định, cơ chế đánh giá yếu tố quốc phòng - an ninh, tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, lao động, xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong thẩm định và cấp phép đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư gắn với công nghệ cao; đồng thời, ngăn ngừa các dự án đầu tư tiềm ẩn rủi ro về mất an ninh, ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, đầu tư "núp bóng", trốn tránh thuế quan, chuyển giá, gian lận thương mại…

Có như vậy, Việt Nam mới tranh thủ được cơ hội, cũng như giảm thiểu các thách thức từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển nhanh, bền vững và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới./.