ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 06h00 09/03/2024

Cơ hội và thách thức để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

(KDPT) - Tín chỉ carbon không chỉ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Trong lộ trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero) đến năm 2050 của Việt Nam, nguồn tài chính bền vững cho quá trình này không chỉ đến từ khu vực công - tư mà còn đến từ thị trường tín chỉ carbon.

Cơ hội của Việt Nam tại thị trường tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Việt Nam hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Và đây là thị trường mang yếu tố bắt buộc. Điều này nghĩa là các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát việc phát thải khí nhà kính, nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra thì có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu cho rằng tín chỉ carbon chính là yếu tố chiến lược để phát triển nền kinh tế nước ta trên cơ sở số hóa và xanh hóa. Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng thị trường carbon. Chúng ta có một số lợi thế trong ngành giảm và loại bỏ CO2. Nhưng nếu không kịp tranh thủ thời gian thì thời hạn đang đến rất nhanh. Chẳng hạn như quy định về Báo cáo kiểm kê khí nhà kính toàn cầu lần 1 là trong năm 2023. Nhưng hiện tại tỷ lệ doanh nghiệp Việt hiểu và thực hiện kiểm kê khí nhà kính rất thấp, dưới 1% so với danh mục 1912 doanh nghiệp bắt buộc kiểm kê, chưa nói tới hàng trăm nghìn công ty khác.

Việc xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả. Đồng thời, thị trường tín chỉ carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. 

Ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh: Thành Đạt)
Ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh: Thành Đạt)

Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính, có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như Liên minh Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều thương vụ “bán không khí thu kinh phí”, thu về khoảng 60 triệu USD. Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi đã được triển khai tại 53 tỉnh, bán được gần 3,1 triệu tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD và xây dựng 181.683 công trình khí sinh học, mang lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, năm 2023, với 2% diện tích trồng rừng vượt mức kế hoạch, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Đối mặt với những khó khăn, thách thức

Theo ông Vũ Trung Kiên, phát triển thị trường carbon trong nước bên cạnh những cơ hội thì vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là khung pháp lý trong nước và việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Tiếp theo là sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giảm phát thải. Chính phủ có thể cam kết với quốc tế, nhưng thực tế giảm được đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và sự tham gia của doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Kiên cho rằng, nguồn lực tài chính và đổi mới công nghệ cũng là những thách thức rất lớn.

"Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm câu chuyện về giá tín chỉ. Thực tế, hiện nay, theo thống kê của chúng tôi, Việt Nam đã có 262 dự án bán tín chỉ carbon theo cơ chế CDM, trong đó chủ yếu là các dự án thủy điện", ông Kiên nói.

Thực tế, việc định giá tín chỉ carbon hiện nay vẫn đang gặp khó do phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá và xác minh giá trị tín chỉ carbon đó theo từng năm, vì chất lượng tài nguyên còn thay đổi tương đối theo thời gian.

Ông Vũ Trung Kiên cho rằng, về lâu dài, việc về sau phải mua mức giá cao có lẽ là chắc chắn. Nhưng rừng hấp thụ CO2 hằng năm, nên vẫn có “hàng” để bán với giá cao, theo cùng với thị trường. "Nước lên thì thuyền lên", chúng ta phải sống chung với thị trường. Tín chỉ carbon chỉ có thời hạn, thường là vài năm. Nếu không bán thì khi hết hạn, tín chỉ sẽ không còn giá trị sử dụng.

Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu tín chỉ carbon của nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là khó khăn trong định giá tín chỉ carbon do tính vô hình của chúng. Tín chỉ này phải đủ chất lượng, được xác nhận thì mới có thể thành hàng hóa để giao dịch. Việc xác định chất lượng của nó trở nên phức tạp trong một thị trường đa phương, với nhiều quy trình khác nhau.

Tiếp theo là khó khăn trong xác định mức xả thải. Bản chất của hệ thống kiểm soát phát thải là buộc các doanh nghiệp phải tăng đầu tư vào công nghệ sản xuất để giảm phát thải trong dài hạn hoặc có cơ chế để doanh nghiệp tối ưu chi phí giảm phát thải nếu khó đầu tư trong ngắn hạn. Nhìn chung, việc xây dựng định mức phát thải tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực, từng cơ sở là không hề dễ dàng, vì thực tế có một số ngành rất khó để đo lường lượng phát thải.

Tiếp đến là vấn đề thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu về kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực kiểm kê giảm phát thải. Kiểm kê khí nhà kính phải dựa trên sự công nhận của quốc tế nên các đơn vị phải có đủ đội ngũ chuyên gia để thành lập được hội đồng thẩm định.

Để thị trường carbon thành công, những vấn đề này phải được giải quyết. Việc giảm thiểu và loại bỏ khí thải phải thực tế và phù hợp, phải có sự minh bạch trong hạ tầng thể chế và tài chính cho các giao dịch trên thị trường carbon. Đồng thời, phải có các biện pháp bảo vệ xã hội và môi trường đầy đủ để giảm thiểu mọi tác động tiêu cực của dự án cũng như và phát huy những tác động tích cực./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/10/2024