(KDPT) – Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe dọa; của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm, thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là sứ mệnh vinh quang, cao cả.

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Ngày mà chúng ta tri ân công ơn của bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc vệ quốc vĩ đại để bảo vệ trọn vẹn non sông Tổ quốc, giành độc lập tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

1

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ, ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về mình mẹ lặng im” (Đất nước – Phạm Minh Tuấn). Đã bao lần và đã bao người nghe được câu hát về sự đau đớn tột cùng của những gia đình Việt Nam trước mất mát người thân – những người con sẵn sàng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Họ mãi mãi đi vào lịch sử Việt Nam, mỗi dòng tên của họ đã trở thành tên đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho nước Việt của chúng ta được nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Các anh ngã xuống trên đất mẹ, để lại tiếc thương cho người thân. Sự hy sinh của các anh đã làm rạng rỡ quê hương đất nước, đã ươm những mầm xanh, những chồi non lộc biếc của hòa bình và khát vọng, để non sông Việt Nam mãi mãi trường tồn.

Tinh thần của các anh sẽ sống mãi với quê hương, với tình yêu thương của đồng bào, đồng chí. Sự bất diệt ấy tạo nên chân lý, lẽ sống, mà bất cứ thế lực nào cũng không thể khuất phục.
Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng hậu quả và dư âm còn sót lại vẫn vô cùng khốc liệt, ghi dấu mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Mỗi dịp tháng 7 về, nhân dân cả nước lại tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Các anh đã ra đi vì mục tiêu cao đẹp, vì hòa bình độc lập hôm nay.

“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” – (cựu binh Lê Bá Dương). Rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những người tuổi mới mười chín, đôi mươi, bỏ lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, của bao thế hệ ấy, đã tạo nên sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

2

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 là ngày lễ trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên. Các chính sách dành cho thương binh, liệt sĩ và người có công đã được nhiều lần sửa đổi, bổ sung để ngày càng phù hợp.

Hiện nay, cả nước có gần 9 triệu người có công và thân nhân của người có công, 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Về cơ bản, người có công đã được hưởng đầy đủ chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; nhiều công trình Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trở thành công trình văn hóa, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Nhiều nghĩa trang đã là điểm đến của các thế hệ hôm nay như nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niêm xung phong Ngã Ba Đồng Lập, Khu tưởng niệm thanh niên xung phong ở Truông Bồn, Hang tám cô … đó là những minh chứng rõ nét thể hiện lòng biết ơn và tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân hôm nay luôn khắc ghi những người con ưu tú của đất Việt đã hi sinh cho đất nước Việt Nam hôm nay hưng thịnh và thanh bình.

3

Có một tác giả đã viết: Chúng tôi là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử hào hùng, chúng tôi luôn tự hào về các anh. Các anh ra đi để đổi lại hòa bình cho Tổ quốc. Những lần đến viếng đền thờ các anh hùng liệt sỹ là từng ấy lần tôi không thể không rơi lệ, giọt nước mắt để tưởng nhớ về những người đã quên mình để bảo vệ cho Tổ quốc. Thương lắm khi trên đất nước này thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Thương lắm, những cánh thư viết vội cho người thân của các anh chưa tìm được địa chỉ….

Hầu hết các anh đã tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng các anh vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời vì các anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được an toàn. Và trong thâm tâm các anh luôn chắc chắn một điều rằng, rồi đây nước nhà sẽ độc lập – ngày ấy sẽ không còn xa.

Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh, để bây giờ chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Chúng tôi sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các anh đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của cha anh.

AN PHONG