ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ sáu, 16h07 01/12/2023

Công nghệ là chìa khóa phát triển thương mại điện tử bền vững

(KDPT) - Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023. Trong dấu ấn này chắc chắn không thể thiếu vai trò quan trọng của công nghệ.

Bức tranh thị trường thương mại điện tử hiện nay tại Việt Nam

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới. Như vậy, yếu tố tăng trưởng ổn định, tích cực có thể nói là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam. Như vậy, yếu tố tăng trưởng ổn định, tích cực có thể nói là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam.

Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: Dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ về thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay.

Tại Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Tước đây, khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng; Giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; Số lượng nhà bán hàng ứng dụng thương mại điện tử chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên. Nhưng nay, sau 10 năm phát triển, thương mại điện tử Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, đạt 16-30%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023. Điều này chứng tỏ thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam".

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh những kết quả đạt được, thương mại điện tử hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cá nhân; Hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; Niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

5 yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững

Để để từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức trong thương mại điện tử, đề xuất về mặt giải pháp, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, để thương mại điện tử phát triển bền vững, cần phải đảm bảo 5 yếu tố sau.

Cần có giải pháp để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, yếu tố đầu tiên để có sự phát triển bền vững của thương mại điện tử là phải duy trì một tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tích cực, ổn định. Thiếu một trong hai yếu tố tăng trưởng tích cực, hoặc ổn định thì không có sự bền vững trong phát triển thương mại điện tử. Thương mại điện tử vừa qua tăng trưởng rất mạnh. Trải qua nhiều làn sóng phát triển, thương mại điện tử Việt Nam đến nay đã giữ được tốc độ tăng trưởng liên tục trong 15 năm qua với trung bình 20%/năm trừ giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh: "Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới. Như vậy, yếu tố tăng trưởng ổn định, tích cực có thể nói là điểm sáng của thương mại điện tử Việt Nam. Áp lực rất lớn để duy trì tốc độ như trên thời gian tới. Điểm sáng này cần được thường xuyên giữ gìn, bảo vệ thông qua việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, thường xuyên tuyên truyền để đảm bảo tính thực thi pháp luật hiệu quả trong doanh nghiệp và xã hội".

Bên cạnh hành lang pháp lý, các chính sách phát triển cũng cần được xây dựng và triển khai, các bên liên quan như các doanh nghiệp lớn trong ngành, doanh nghiệp hạ tầng cần chung tay với cơ quan quản lý nhà nước, gương mẫu, đi đầu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước ứng dụng thương mại điện tử để giúp cả xã hội đều có thể Go Online, sử dụng lợi thế của thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, cần có để đảm bảo sự phát triển thương mại điện tử bền vững là sự cân bằng và hài hòa. Cân bằng và hài hòa ở đây là hài hòa lợi ích các bên liên quan từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng thương mại điện tử, đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng... Đồng thời, thu hẹp dần khoảng cách, tiến tới cân bằng sự phát triển thương mại điện tử, giữa các vùng miền. Đảm bảo liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.

Thứ ba là phát triển xanh. Thương mại điện tử cũng là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường. Với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, quy trình giao vận, thương mại điện tử sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí.

Thứ tư, phát triển thương mại điện tử, bền vững không thể thiếu yếu tố niềm tin. Trước hết là niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái thương mại điện tử. Các doanh nghiệp nhỏ cần có niềm tin thị trường, cần có cơ chế bảo vệ họ để có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh. Với người tiêu dùng, họ cần có niềm tin vào chất lượng hàng hóa, tin rằng quyền lợi của họ được bảo vệ khi tham gia mua sắm trên thị trường thương mại điện tử.

Thứ năm là nguồn nhân lực. Thương mại điện tử là lĩnh vực mới, đang phát triển nhanh tuy nhiên quy mô nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển của thương mại điện tử. Ước tính, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Điều này cũng khiến nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử còn rất lớn và nếu không đảm bảo nhân lực cho thương mại điện tử thì rất khó đảm bảo sự bền vững của thương mại điện tử.

Cuối cùng là tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ công nghệ cho sự phát triển của thương mại điện tử. Bà Oanh cho biết thời điểm này, cùng với chủ trương chuyển đối số toàn diện từ Chính phủ, các hạ tầng số có liên quan như dịch vụ logistics thông minh, thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực định danh điện tử đều đang có những bước chuyển mình nhanh chóng trong những năm qua.

Trong 10 năm qua, Bộ Công Thương đồng hành giải quyết các khó khăn, thách thức về nhận thức, niềm tin, về hạ tầng công nghệ hỗ trợ... qua đó thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Đại diện của Bộ Công Thương cho rằng, công nghệ hiện nay chính là chìa khóa để mở cánh cửa phát triển hướng tới môi trường thương mại điện tử bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/12/2024