“Cuộc đua” săn quỹ đất, M&A dự án
“Hâm nóng” thị trường
Trên thực tế từ đầu năm tới nay cùng với việc thực hiện các thương vụ M&A, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch săn tìm quỹ đất để phát triển dự án mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực.
Hồi đầu năm, Kim Oanh Group đã thâu tóm thành công dự án đầu tư xây dựng Một Thế Giới có quy mô 50 ha tại Bình Dương. Đơn vị này thông tin đây là quỹ đất trọng điểm cho hoạt động doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới.
Hay như Công ty Cổ phầ Tập đoàn Hà Đô đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư 2 cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 tập trung vào các ngành ít ảnh hưởng tới môi trường với quy mô 100 ha, gần khu công nghiệp Cà Ná. Nhằm mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh, đơn vị này có kế hoạch thực hiện các thương vụ M&A để tích lũy quỹ đất triển khai các dự án khu đô thị.
Tập đoàn Đất Xanh cho biết cũng đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100-200 ha để phát triển các dự án giai đoạn 2024-2025, đồng thời lên kế hoạch M&A các quỹ đất dự án hiện hữu để có thể triển khai nhanh để phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.
Cuối năm ngoái, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền thông qua công ty con nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Lộc Minh với giá trị 350 tỷ đồng… Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như Ecopark, Vinhomes, Eurowindow, Hoàng Huy, TNG Holdings... cũng đang tích cực tham gia phát triển dự án từ các quỹ đất quy mô lớn ở nhiều tỉnh thành.
Cho rằng “cuộc đua” săn quỹ đất và M&A dự án giữa các doanh nghiệp bất động sản diễn ra sôi động và đa dạng, TS. Phạm Anh Khôi - Viện Nghiên cứu Kinh tế Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services thông tin, ngoài nhóm doanh nghiệp bất động sản thì còn có sự tham gia của cả các đại gia ngoài ngành như Công ty Cổ phầ Tập đoàn TH khi đơn vị này vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng, hay như của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú với dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau…
Tín hiệu của dòng tiền
Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, nếu như năm 2023 là cuộc đua mở rộng quỹ đất với khối ngoại chiếm ưu thế thì năm 2024 thị trường chứng kiến sự trở lại của doanh nghiệp trong nước sau thời gian tái cơ cấu. Theo bà Trang Bùi, khẩu vị của nhà đầu tư lúc này là các dự án có quỹ đất sạch, giá trị thật, hợp pháp và tiềm năng phát triển. Dự báo của Cushman & Wakefield cho thấy trong giai đoạn 2024-2026 sẽ có một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam do họ đã và đang có thời gian vừa qua đàm phán rất tích cực.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, cả năm 2024 và 2025 các hoạt động M&A trên thị trường sẽ tiếp tục diễn ra với tần suất và quy mô ngày càng lớn. Điều này được thúc đẩy bởi các động lực gắn với dự báo. Cụ thể, dự báo đưa ra Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia có tăng trưởng GDP cao và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam. Ngoài ra những vướng mắc pháp lý dự án cũng đang dần được tháo gỡ đã và đang tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động này diễn ra. Thực tế cũng ghi nhận, thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ thời gian qua. Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024 Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD - đây được xem là mức tăng ấn tượng khi tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2023.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hương Nguyễn - CEO Đại Phúc Land nhận định, mở rộng quỹ đất chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn có dòng tiền vững mạnh và ưu tiên chính hiện nay của các doanh nghiệp chính là sự ổn định và cơ cấu nợ.
Ông Phong cũng dự báo rằng, thời gian tới sẽ có sự bùng nổ dòng vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt từ các quốc gia Châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… Do đó, ông cho rằng, cơ hội sẽ tới với những doanh nghiệp bất động sản có chiến lược tốt, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Ông Trương An Dương - Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam đồng tình cho rằng, bất động sản công nghiệp vẫn phát triển tốt và các thương vụ M&A trong ngành theo đó sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, các nhà đầu tư vẫn đang gặp những trở ngại về thủ tục hành chính. Do đó, để khơi thông nguồn vốn xã hội và thúc đẩy thị trường M&A lành mạnh cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc pháp lý đồng thời, gia tăng vai trò của các đơn vị tư vấn độc lập về pháp lý giúp các bên tham gia giao dịch đảm bảo.
Mặc dù còn có nhiều thử thách nhưng theo Cushman & Wakefield, đây chính là thời điểm phù hợp để cho doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh có thể tăng cường hoạt động thâu tóm, liên kết hợp tác.
Với tỷ suất sinh lời hấp dẫn phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn của cả nhà đầu tư nội và ngoại. Thị trường ngoài những tên tuổi quen thuộc tập trung vào nhà ở cao cấp như Keppel Land, Capitaland thì hiện nay đã có thêm nhiều chủ đầu tư mới tham gia Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Với hành lang pháp lý mới sẽ hạn chế tình trạng tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản. TS. Phạm Anh Khôi nhấn mạnh rằng, thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực và được đánh giá là đang trên đà hồi phục. Khả năng phục hồi trong thời gian nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố song với tín hiệu tích cực từ dòng tiền sẽ cải thiện được điều quan trọng nhất là niềm tin thị trường./.
- Thị trường M&A bất động sản dự báo rất sôi động trong năm 2024
- M&A bất động sản đang nghiêng nhiều về khối ngoại
- Hai năm tới sẽ là thời điểm “vàng” của M&A bất động sản tại Việt Nam