Đại tướng Tô Lâm được bầu giữ chức Chủ tịch nước
Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 22/5, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước đối với Đại tướng Tô Lâm.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, đã có 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội biểu quyết thông qua.
Nghi lễ tuyên thệ được tân Chủ tịch nước Tô Lâm thực hiện ngay sau đó.
Lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Quốc hội đã ghi nhận lời tuyên thệ của tân Chủ tịch nước Tô Lâm. Sau Lễ Tuyên thệ, tân Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu nhậm chức.
Chủ tịch nước Tô Lâm sinh ngày 10/07/1957, quê quán xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông có trình độ Giáo sư, Tiến sĩ Luật học; Cao cấp lý luận chính trị.
Trước khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Trong quá trình công tác, ông Tô Lâm từng giữ các chức vụ: Phó trưởng Phòng rồi Trưởng Phòng, Cục Bảo vệ Chính trị I - Tổng cục An ninh, Bộ Công an; Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng, Cục Bảo vệ Chính trị I - Tổng cục An ninh, Bộ Công an; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; Phó Tổng cục trưởng phụ trách rồi Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Công an.
Từ năm 2016, ông Tô Lâm là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bộ trưởng Bộ Công an (tháng 4/2016).
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước. Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và An ninh.