ISSN-2815-5823

Đất TSC là gì? Đất TSC có được cấp sổ đỏ hay không?

Đất TSC là gì? Đây là một loại đất xây dựng trụ sở cơ quan, được xuất hiện tương đối nhiều trong các bản đồ địa chính. Cùng tìm hiểu những thông tin chi tiết nhất về loại đất này.

Đất TSC là gì?

Các ký hiệu của những loại đất được sử dụng phổ biến trong các bản đồ địa chính. Tuy nhiên, nhiều người dân không quá hiểu về những ký hiệu này cùng những thông tin về loại đất đó. Điều này có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình quản lý của cơ quan chức năng và việc đầu tư đất của người dân. Ký hiệu TSC hiện vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Vậy đất TSC là gì?

Khái niệm đất TSC là gì?

Đất TSC được hiểu chính là loại đất xây dựng các trụ sở cơ quan. Cụ thể, loại đất này được dùng cho mục đích xây dựng các trụ sở hay văn phòng làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức sự nghiệp công lập bao gồm phần đất sử dụng để xây dựng công trình sự nghiệp thuộc sự quản lý của Nhà nước.

Các công trình xây dựng sự nghiệp trên đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp sẽ bao gồm các lĩnh vực như sau:

  • Kinh tế

  • Văn hóa - xã hội

  • Y tế

  • Giáo dục và đào tạo

  • Thể dục thể thao

  • Khoa học và công nghệ

  • Ngoại giao

  • Các công trình sự nghiệp khác

Ngoài ra, đất xây dựng cơ quan hay công trình sự nghiệp cần phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương hay quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 

Đất TSC thuộc nhóm đất gì trong hệ thống đất đai Việt Nam?

Nắm được khái niệm đất TSC là gì bạn cũng nên biết đất TSC đang được phân chia vào nhóm đất nào? Căn cứ theo Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhóm đất phi nông nghiệp sẽ bao gồm các loại đất dưới đây:

"- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

- Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

- Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

- Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;

- Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

- Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;"

Như vậy, đất xây dựng trụ sở cơ quan TSC đang thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. 

Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất TSC là ai?

Dựa theo Điều 7 Luật Đất đai 2013, người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối việc sử dụng đất TSC là:

  • Người lãnh đạo của tổ chức, tổ chức nước ngoài có nhiệm vụ ngoại giao và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất thuộc quyền quản lý của tổ chức mình.

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại các xã, phường, thị trấn quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích công cộng, cũng như đất phi nông nghiệp đã được giao cho Ủy ban để xây dựng trụ sở và các công trình công cộng như văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang và các công trình khác phục vụ địa phương.

  • Đại diện cho cộng đồng dân cư, bao gồm trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc, hoặc người được bầu bởi cộng đồng, chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng đất đã được giao cho cộng đồng.

  • Người đứng đầu cơ sở tôn giáo chịu trách nhiệm về đất được giao cho cơ sở tôn giáo đó sử dụng.

  • Chủ hộ chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất thuộc sở hữu của hộ gia đình.

  • Cá nhân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền quản lý và sử dụng đất thuộc sở hữu cá nhân của mình.

  • Người có quyền sử dụng đất chung, hoặc đại diện của nhóm người có quyền sử dụng chung, đảm nhận trách nhiệm quản lý và sử dụng đất chung đó.

Đối tượng chịu trách nhiệm trước nhà nước về sử dụng đất TSC
Đối tượng chịu trách nhiệm trước nhà nước về sử dụng đất TSC

Quy định chung về đất TSC

Để hiểu hơn về việc sử dụng và quản lý đất TSC cần tìm hiểu về những quy định về sử dụng và quản lý đất TSC. Cụ thể:

Quy định về sử dụng đất TSC

Đất TSC không được phép sử dụng cho bất kỳ các mục đích khác ngoài xây dựng trụ sở cơ quan. Ngoài ra, khi sử dụng đất TSC, người dân cần nắm rõ các quy định và tuân thủ theo đúng pháp luật đã quy định.

  • Không được lạm dụng đất TSC

Theo Luật Đất đai 2013, đất TSC chỉ được phép sử dụng cho việc xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước hoặc cơ sở chính trị - xã hội nhằm phục vụ các mục đích công cộng. Mọi hành vi sử dụng đất TSC cho mục đích cá nhân hoặc chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế, sản xuất trái phép đều được coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

  • Khuyến khích sử dụng đất TSC phù hợp

Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm khuyến khích việc sử dụng đất TSC một cách hợp lý và đúng mục đích, tập trung vào phát triển xã hội như xây dựng các trường học, nhà văn hóa, trung tâm nghiên cứu và các cơ sở công cộng khác.

Quy định về quản lý đất TSC

Về quy định quản lý đất TSC, các khu đất chưa được sử dụng được nhà nước bàn giao lại cho cá nhân hoặc tổ chức quản lý. Các cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý không được có các hành vi cố tình sử dụng đất TSC vào mục đích sai lệch hoặc phá hoại, chặt cây, cắt xén, mua bán... trên khu đất. Ngoài ra, các đối tượng này chịu toàn bộ trách nhiệm với khu đất, đảm bảo hiện trạng diện tích đất nguyên vẹn 100%.

Các cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý đất TSC cần tuân thủ quy định
Các cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý đất TSC cần tuân thủ quy định

Đất TSC có được cấp sổ đỏ hay không?

Câu trả lời là KHÔNG. Các hộ dân mặc dù đã sinh sống ổn định trên mảnh đất TSC cũng đều không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ. Nguyên nhân chính là Nhà nước nghiêm cấm sử dụng đất này cho các mục đích ngoài xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước.

Tất cả những việc khai thác và sử dụng đất cần phù hợp với quy hoạch, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, trường hợp mảnh đất TSC thuộc kế hoạch quy hoạch thì khi bắt đầu dự án, hộ gia đình sẽ được bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Tình hình sử dụng đất TSC hiện nay

Mặc dù người dân hiểu về đất TSC là gì cùng những quy định cụ thể về loại đất này nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng, như sau:

Thực trạng sử dụng đất TSC 

Hiện nay, các địa phương còn một số bất cập khi sử dung loại đất TSC như sau:

  • Đất TSC được sử dụng sai hoặc không tận dụng hết công năng dẫn đến lãng phí, bỏ hoang đất.

  • Một số cá nhân, tổ chức chưa có trách nhiệm chủ động lập phương án sử dụng, chậm trễ trong quá trình thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

  • Các vấn đề sử dụng đất TSC chưa được kiểm tra, giám sát và đôn đốc thường xuyên. Vẫn còn lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở trái phép tại nhiều địa phương. 

Đất TSC chưa được sử dụng đúng công năng và bị bỏ hoang nhiều
Đất TSC chưa được sử dụng đúng công năng và bị bỏ hoang nhiều

Giải pháp sử dụng đất TSC

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất TSC, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. 

  • Các cơ quan, tổ chức được giao đất cần lập kế hoạch sử dụng đất cụ thể, đảm bảo đất được sử dụng đúng mục đích và không bị lãng phí.

  • Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ việc sử dụng đất TSC và nếu phát hiện sai phạm, cần có biện pháp xử lý kịp thời.

  • Việc đào tạo và nâng cao nhận thức về quản lý đất công cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tài nguyên đất được khai thác hợp lý và hiệu quả.

Như vậy, những thông tin về khái niệm đất TSC là gì cùng những quy định quan trọng của loại đất này đã được làm rõ. Hy vọng cá nhân, hộ gia đình và chủ đầu tư có thể đưa ra được những quyết định sử dụng và đầu tư đất TSC phù hợp./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024