Ảnh minh họa.

Đây là thông tin được ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho hay tại Hội nghị trực tuyến “Đại dịch Covid-19 và làng nghề gỗ: Tác động và sự cần thiết về một chính sách bao trùm” diễn ra ngày hôm qua (22/9).

Theo ông Tô Xuân Phúc, Việt Nam hiện có khoảng trên 300 làng nghề gỗ với hàng nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động đang tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây. Các biện pháp giãn cách nhằm kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian gần đây có tác động rất lớn tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ làng nghề.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu tại 6 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm) mới đây cho thấy tác động của dịch Covid-19 tới các làng nghề rất nặng nề.

Trước tiên, năng lực sản xuất của các hộ đã giảm 62%; 38% còn lại là phần mới được phục hồi sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách trong một vài tuần trở lại đây. Khoảng 46% số hộ tại các làng đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất “cầm chừng” với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận. Làng có số hộ quay lại sản xuất cao nhất đạt 80% (La Xuyên) và làng thấp nhất chỉ đạt 30% (Đồng Kỵ)

Lực lượng lao động tại các làng nghề suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là nhóm lao động tự do từ các nơi khác tới làm thuê cho các hộ tại đây. So với trước giãn cách, lượng lao động làm thuê tại các làng nghề giảm 73%, lao động của bản thân hộ giảm 36%…

Tiêu thụ sản phẩm của hộ gặp phải khó khăn, điều này làm giảm nguồn thu của hộ và lượng nguyên liệu gỗ đầu vào. Khảo sát của Nhóm nghiên cứu giữa Forest Trends và các hiệp hội gỗ tại 6 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm) – nơi sản xuất chế biến gỗ đóng vai trò chính trong nguồn thu của hộ cho thấy đầu ra của các hộ giảm 76%, với tỷ lệ đầu ra giảm nhiều nhất tại Đồng Kỵ (90%). Nguyên nhân do sản phẩm của Đồng Kỵ tiêu thụ khó khăn bởi so với các làng nghề khác, sản phẩm của Đồng Kỵ có giá cao hơn rất nhiều so với sản phẩm của các làng nghề khác.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho biết, con số hàng chục nghìn hộ với hàng trăm nghìn lao động tham gia vào khâu sản xuất kinh doanh sản phẩm gỗ tại trên 300 làng nghề gỗ trong cả nước cho thấy tầm quan trọng của các làng nghề này về mặt kinh tế và xã hội. Các làng nghề gỗ đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các sản phẩm gỗ cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, vai trò và tầm quan trọng của các làng nghề hiện chưa được đánh giá một cách đầy đủ và công bằng. Các cơ chế chính sách và thông tin đại chúng thường tập trung ưu tiên vào khối doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vai trò của các làng nghề còn hết sức mờ nhạt và yếu thế trong các chính sách phát triển. Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh làng nghề. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kết nối chặt chẽ hơn trong tương lai giữa các làng nghề và các doanh nghiệp trong các hiệp hội, giữa các làng nghề và các cơ quan quản lý. Định vị lại vai trò của các hộ tại các làng nghề trong bức tranh tổng thể về ngành gỗ Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp, thúc đẩy các làng nghề gỗ phát triển bền vững

Theo nhóm khảo sát của Viforest và Forest Trend, trong bối cảnh đầu ra sản phẩm không tiêu thụ được, sản xuất đình trệ, sức ép trả lãi suất ngân hàng và đặc biệt là các khoản vay đến hạn phải trả lên các hộ rất lớn. Khảo sát với các hộ tại 6 làng nghề cho thấy các hộ có 3 kiến nghị chính, bao gồm kiến nghị về các khoản vốn vay, thuê đất và phát triển đầu ra sản phẩm, chuyển hướng kinh doanh để giảm khó khăn cho các hộ trong ngắn hạn (vốn, tiền thuê đất) và trong dài hạn (thay đổi phương thức kinh doanh).

QUANG ĐỨC