ISSN-2815-5823

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Cần có cách nhìn đa chiều và toàn diện

(KDPT) - Ngày 9/12, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo khoa học "Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam".

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc dân tộc, mà còn góp phần tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phát biểu khai mạc hội thảo.
TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phát biểu khai mạc hội thảo.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần sự tham gia của nhiều nguồn lực. Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

“Chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng và cụ thể để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả”, TS. Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản văn, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa. Qua đó, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức mà còn làm giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách không hiệu quả.

Cũng tại hội thảo, TS. KTS Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, các ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo đều có sự thống nhất về quan điểm đối với các vấn đề trọng tâm. Theo đó, cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tăng đầu tư công, thu hút và đa dạng nguồn đầu tư tư cho văn hóa.

Đồng thời, cần thực hiện nghiên cứu và đánh giá toàn diện về thực trạng đầu tư và tài trợ cho văn hóa trong làm cơ sở cho việc tư vấn xây dựng chính sách đầu tư và tài trợ cho văn hóa phù hợp với cơ sở khoa học và thực tiễn của ngành. Tiếp nhận có chọn lọc từ những bài học kinh nghiệm về các mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa của các quốc gia khác.

Bên cạnh đó cần sớm xây dựng cơ chế và chính sách về đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa. Ưu tiên triển khai đầu tư và tài trợ cho các dự án có tiềm năng, thế mạnh thuộc lĩnh vực thiết kế, âm nhạc, mỹ thuật công cộng, nhằm định vị thương hiệu

“Chúng tôi hy vọng những vấn đề đặt ra từ hội thảo sẽ trở thành một phần của quá trình vận động và xây dựng, thực thi có hiệu quả các chính sách về đầu tư công cho văn hóa. Khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia, đóng góp, chung tay đầu tư cho ngành văn hóa từ khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế và các cá nhân trong thời gian tới”, ông Long nói.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Chính sách văn hóa toàn diện cần kết hợp hài hòa các mục tiêu văn hóa xã hội, chính trị và kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ là điều cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế. Điều này sẽ giúp Nhà nước xây dựng các công cụ đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng cả nhu cầu bảo tồn văn hóa lẫn phát triển kinh tế trong thời kỳ mới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/12/2024