Hà Nội: Tổng kết Chương trình 06 xây dựng văn hóa, phát triển nguồn lực
Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" đã tổ chức hội nghị tổng kết chương trình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh Chương trình 06 chương trình kế tiếp của nhiều chương trình trước đó về văn hóa, con người, nguồn nhân lực. Đặc biệt, đây là một trong số ít chương trình có đẩy đủ nhất các cơ chế, chính sách, quan điểm chỉ đạo về mặt chính trị, pháp lý và nguồn lực.

Chương trình 06-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 được ban hành với 18 chỉ tiêu, 51 đề án, kế hoạch; 22 dự án, nhóm dự án tập trung 3 nội hàm Chương trình là: Phát triển văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Đến nay, 18/18 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành kế hoạch hằng năm, trong đó có 02 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận của các đơn vị về: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với phát triển nguồn nhân lực; Tuổi trẻ Thủ đô với việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025"; Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Đan Phượng; Nỗ lực thực hiện hóa khát vọng định vị thương hiệu trên bản đồ văn hóa Thủ đô…

Chương trình 06 đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa và Thành phố sáng tạo.
Thành phố đã tổ chức 04 lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Xây dựng được các sản phẩm văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản Hà Nội, vừa có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vừa phát triển kinh tế - xã hội tạo nguồn động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố.
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý, thu hút đầu tư phát triển Công nghiệp văn hóa là lợi thế của Thủ đô. Bước đầu, TP đã huy động được các nguồn lực từ xã hội cùng tham gia và đạt được kết quả tích cực.
Du lịch Thủ đô đã cơ bản phục hồi kể từ sau đại dịch Covid-19. Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm. Hà Nội cũng vinh dự được nhận được nhiều giải thưởng điểm đến văn hóa, du lịch hàng đầu Việt Nam và Châu Á do Tổ chức World Travel Awards trao tặng. Từ đó, khẳng định vị thế, hình ảnh và thương hiệu du lịch Hà Nội trên trường quốc tế, hướng tới thu hút phục hồi khách du lịch quốc tế đến Thủ đô trong những năm tới.
Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 99,45% xếp thứ 24 toàn quốc; đến năm 2024 đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm 2021). Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc. Học sinh Thủ đô tiếp tục đạt thành tích nổi bật, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước với nhiều giải quốc gia, giải quốc tế trong các kỳ thi, cuộc thi...

Việc xây dựng người Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô được xem là 1 trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ Thành phố. Việc đưa các Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô. Rất nhiều mô hình, phong trào hay đã được thực hiện: Mô hình “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc” ở khu dân cư bàn về các giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, thực hiện chăm lo đảm bảo an sinh xã hội; phong trào thi đua Xây dựng phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình cũng thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục. Một số nơi tổ chức thực hiện các nội dung hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời…/.
- Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc - một Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của Hà Nội
- Chương trình nghệ thuật “Linh Lang - Khí thiêng hội tụ - Long Biên tỏa sáng” – niềm tự hào về vùng đất giàu truyền thống văn hóa
- Phúc Thọ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu