Đẩy lùi các mối nguy hại, tăng cường bảo vệ an ninh trên không gian mạng
Gây nên những thiệt hại to lớn
Năm 2023, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam ở mức 17,3 nghìn tỷ đồng, giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nóng vẫn nổi cộm như tấn công bằng virus mã hóa dữ liệu tiếp tục gia tăng, lừa đảo tài chính trực tuyến chưa có dấu hiệu giảm…
Theo đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện tháng 12/2023, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam ở mức 17,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 716 triệu USD), có giảm so với các năm trước.
Tình hình virus tại Việt Nam trong năm 2023. (Ảnh: BKAV) |
Báo cáo khảo sát an ninh mạng của Bkav ghi nhận, tỷ lệ người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục gia tăng. Nếu năm 2022, con số này là 69,6% thì trong năm 2023 là 73%.
Một trong những vấn đề gây nhức nhối hiện nay là lừa đảo tài chính qua mạng. Theo đó, hình thức lừa đảo qua mạng bùng nổ trong những năm gần đây và trở thành vấn nạn khi nạn nhân thuộc mọi tầng lớp và sinh sống ở bất cứ đâu. Trong các vụ việc lừa đảo với mục đích tài chính, kẻ xấu yêu cầu người dùng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nhưng khi điều tra, các tài khoản này đều không chính chủ, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn để tìm ra tội phạm và ngăn chặn vấn nạn lừa đảo.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết: "Nguyên nhân là do việc mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng đang diễn ra quá dễ dàng. Nhiều người đơn giản cho rằng, bán đi các tài khoản mình không sử dụng sẽ không có vấn đề gì. Song thực tế, kẻ xấu đã lợi dụng những tài khoản ngân hàng này để thực hiện các giao dịch phi pháp, giấu nguồn gốc, gây khó khăn cho cơ quan điều tra".
Mã độc tống tiến cũng có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Báo cáo An ninh mạng của Công ty NCS cũng cho thấy, tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị mã độc tấn công trong năm 2023 là 43,6%, tuy có giảm nhẹ so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao của thế giới. Năm qua, NCS cũng ghi nhận nhiều vụ tấn công mã hóa dữ liệu ransomware gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ đòi nạn nhân trả tiền chuộc, tin tặc có thể bán dữ liệu cho bên thứ 3 để tối đa số tiền thu được.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty NCS cho biết, các hình thức tấn công mã độc phổ biến tại Việt Nam hiện nay là tấn công dò mật khẩu yếu, khai thác lỗ hổng của hệ điều hành Windows, lỗ hổng của phần mềm Microsoft Office, lây qua các phần mềm không rõ nguồn gốc trên mạng hoặc ổ đĩa USB.
“Để phòng tránh, người dùng nên sử dụng mật khẩu mạnh, không tải phần mềm không rõ nguồn gốc trên mạng, không mở file đính kèm nếu không biết rõ người gửi, cập nhật đầy đủ các bản vá lỗ hổng của nhà sản xuất, cài thường trực phần mềm diệt virus trên máy, cập nhật đầy đủ mẫu nhận diện và tính năng mới nhất”, ông Sơn khuyến nghị.
Tấn công mạng có xu hướng giảm trong tháng đầu năm 2024
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 1/2024, có 950 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý. Con số này giảm 33% so với tháng 12/2023 và giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 01/2024, sự cố tấn công mạng giảm so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo Chuyển đổi Số Quốc gia tháng 1/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tổng số 3.193 hệ thống thông tin của cả nước, có 2.110 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ bảo đảm an toàn thông tin, đạt 66%, tăng 1% so với tháng 12/2023 và tăng 10% so với cùng kỳ tháng 1/2023. Những con số này nói lên việc tăng cường an ninh mạng đã có những khởi sắc nhất định.
Bên cạnh đó, số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 1/2024 giảm mạnh so với tháng cuối năm và tháng 1/2023 là tín hiệu đáng mừng. Đây là kết quả bước đầu của các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng nhiều biện pháp tăng cường an toàn, an ninh bảo mật giai đoạn vừa qua, khi các đơn vị đầu tư nhiều hơn cho hệ thống giám sát, phát hiện và cảnh báo sự cố.
Tăng cường đảm bảo an ninh mạng
Hướng đến mục tiêu đảm bảo an ninh mạng trong thời gian tới, các chuyên gia an toàn thông tin cũng lưu ý cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, bởi lẽ giai đoạn cận Tết và trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn thì nhiều nhóm tấn công mạng thường gia tăng hoạt động.
Trước khi nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần rà soát, săn tìm, kiểm tra, xác định dấu hiệu bị tấn công trên những thiết bị máy chủ nhạy cảm, tiến hành gỡ bỏ mã độc (nếu có). Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nên đánh giá toàn diện, kiểm thử tấn công xâm nhập hệ thống máy chủ, ứng dụng nhằm phát hiện lỗ hổng bảo mật tồn tại trên hệ thống, ứng dụng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu cho năm 2024 là tiếp tục duy trì thứ hạng của Việt Nam trong Top 30 thế giới về Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Tốc độ tăng trưởng doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 20%; tốc độ tăng trưởng chứng thư số công cộng đạt 7-10%...
Đặc biệt, định hướng đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc an toàn thông tin mạng” với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng nền công nghiệp an toàn thông tin mạng hùng mạnh./.