Ngày 5/5, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tổ chức Hội thảo: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các làng nghề”.

Đưa công nghệ vào các làng nghề

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Ngô Minh Toàn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số làng nghề của cả nước). Trong đó có hơn 60% số làng nghề thủ công mỹ nghệ là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, với hàng chục làng nghề có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, việc phát triển các làng nghề gắn với công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô”. Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết về khái niệm đổi mới sáng tạo phải đủ 2 yếu tố đó là tính mới (mới so với thị trường, doanh nghiệp, thế giới) và tính thực tiễn (đưa sản phẩm ra thị trường, áp dụng quy trình mới trong sản xuất).

Ngô Minh Toàn Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội
Ông Ngô Minh Toàn Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội

Với việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong các làng nghề sẽ giúp các sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang đậm giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín của làng nghề.

Đối với làng gốm Bát Tràng, nhờ áp dụng công nghệ nung hiện đại sẽ tiết kiệm nhiệt năng, giảm ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng đều. Bên cạnh đó việc ứng dụng kỹ thuật in 3D vào sản xuất gốm cũng là xu hướng hiện nay. Gốm kỹ thuật là vật liệu lý tưởng cho các bộ phận cần chống ăn mòn và chống mài mòn cơ học ngay cả ở nhiệt độ cao. Các loại gốm kỹ thuật phổ biến nhất bao gồm nhôm oxit (alumina), oxit zirconi, nhôm nitrit. Hiện tại, các bộ phận làm bằng gốm kỹ thuật đặc biệt và tiên tiến này có thể được in bằng 3D.

Trong sơn mài, các nghệ nhân ngày nay đã thay thế nguyên liệu từ gỗ mít sang gỗ công nghiệp (MDF hoặc HDF) giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho nghệ nhân.

Trong sản xuất tơ lụa, các địa phương đã phối hợp với các nhà khoa học để ứng dụng kỹ thuật nhuộm ombre, sử dụng màu nhuộm tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia

Khó khăn và thách thức đối với các làng nghệ Việt Nam

Bảo tồn làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên các làng nghề đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đào tạo để giữ nghề và tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Việc thiếu chủ động và đồng bộ, các làng nghề chủ yếu có quy mô nhỏ và thiếu nguồn lực cũng là vấn đề tồn tại trong việc đổi mới sáng tạo trong các làng nghề.

Họa tiết bằng kỹ thuật in 3D trên gốm Bát Tràng
Họa tiết bằng kỹ thuật in 3D trên gốm Bát Tràng

Chia sẻ về việc khắc phục những khó khăn trên, bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết cần lưu truyền nghề cho những người trẻ để các làng nghề có thế hệ tiếp nối, có tính kế thừa. Cùng với đó, phải đảm bảo thị trường tiêu thụ, giải quyết các vấn đề môi trường như xử lý chất thải, đầu tư đổi mới sáng tạo các làng nghề. Song song là ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường thêm chất lượng cho đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp.

Các làng nghề cần tiếp cận các mô hình mới như sàn thương mại điện tử. Hiện nay, không chỉ bán hàng theo cách truyền thống cho thương lái như trước kia, các cơ sở của làng đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.