Đề xuất không dùng tiền mặt khi mua bán vàng
Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về nhu cầu tiêu thụ vàng, đạt 55,5 tấn vào năm 2023 (dựa theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới). Tuy nhiên, lượng giao dịch mua bán vàng bạc thường diễn ra nhỏ lẻ, thiếu tính minh bạch, không có đủ chứng từ, hóa đơn, chênh lệch giá trong nước và thế giới còn cao…
Theo đại diện của Tổng cục Thuế, ngành này đã có nhiều giải pháp trong thời gian qua để kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua bán vàng. Thế nhưng, ngành thuế cho rằng cần có sự vào cuộc của các bộ ngành địa phương để kiểm soát được toàn bộ giao dịch.
Cơ quan này đề xuất NHNN cần phối hợp kiểm soát dòng tiền, cũng như thực hiện nghiên cứu về quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các hoạt động mua bán vàng. Bên cạnh đó, các địa phương được đề nghị tăng thanh, kiểm tra giám sát, giải quyết những vi phạm đối với những cơ sở không xuất hóa đơn cho người mua.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa ra chỉ thị ngày 2/5 đề nghị NHNN thanh tra với thị trường vàng ngay, hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp, đại lý mua bán và phân phối vàng miếng. Ông đề nghị các giao dịch mua bán kim loại quý này cần có hóa đơn điện tử để gia tăng tính minh bạch, rõ ràng. Doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ phải chịu chế tài mạnh nhất là thu hồi giấy phép hoạt động.
Những yêu cầu này được Chính phủ đưa ra nhiều lần trong thời gian qua, khi giá vàng liên tục “nhảy múa” chênh cao hơn so với giá thế giới.
Theo đại diện cơ quan thuế, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc phần lớn trong 2 lĩnh vực là vàng miếng và trang sức, mỹ nghệ. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải đáp ứng quy mô về mạng lưới chi nhánh, nguồn vốn và được NHNN cấp phép hoạt động.
Trong khi, doanh nghiệp mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ cần đăng ký kinh doanh theo giấy phép thành lập doanh nghiệp và đáp ứng một số quy định về địa điểm, trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Theo đại diện cơ quan quản lý thuế, về cơ bản cơ quan này đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Thế nhưng, trường hợp người mua vàng trang sức, mỹ nghệ là cá nhân và không lấy hóa đơn, gây ra khó khăn cho ngành thuế đối với việc kiểm soát giao dịch mua bán.
Bởi vậy, Tổng cục Thuế khuyến khích người tiêu dùng khi mua hàng hóa, dịch vụ lấy hóa đơn để tạo thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi khi mua vàng.
Thực tế cho thấy, Luật quản lý thuế quy định các hộ kinh doanh và doanh nghiệp phải thực hiện hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/7/2022. Theo đại diện của Tổng cục Thuế, 100% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng bạc hiện nay đã sử dụng loại hóa đơn này.
Ngành thuế đã triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Cả nước hiện có hơn 5.800 cơ sở kinh doanh vàng bạc dùng trên 1 triệu hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền./.