Theo văn hoá, phong tục tập quán nhiều năm qua của dân tộc ta, cứ mỗi dịp đầu xuân mới là mùa của Lễ hội, hội Làng, hội Đình, Chùa, hay các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hoá… theo đó, hàng ngày ở những địa điểm trên thu hút hàng ngàn lượt du khách tới thăm quan, du xuân vãn cảnh, cầu may mắn, sức khoẻ và thành công cho năm mới 2023.

Hàng vạn du khách về Đền Hùng những ngày thứ 7, Chủ nhật đầu xuân mới 2023

(Ảnh: Triệu Nhất - Trần Tuấn)

Theo thống kê của Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), trong dịp đầu xuân, mỗi ngày Đền Hùng đã đón hàng ngàn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Được biết, đây là năm có lượt khách đến Đền Hùng dâng hương nhiều nhất trong vài năm gần đây.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng nằm trên địa bàn xã Hy Cương (thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tuy nhiên ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới đã có rất đông người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây dâng hương, vãn cảnh du xuân.

Du khách dâng hương đông đúc nhưng không xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo an toàn.

Đền Hùng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được hợp thành bởi các điểm di tích chính gồm: Đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, lăng Hùng Vương, đền Giếng, đền Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ,…

Theo quan sát của phóng viên, lượng du khách đến đông hơn bình thường vào những ngày đầu xuân, những ngày thứ 7, Chủ nhật, với ý nghĩa đến với Đền Hùng dâng hương cầu bình an, cầu cho năm mới gặp nhiều may mắn, và di xuân trước khi trở về những ngày làm việc bình thường, Anh Lê Dương, du khách ở Hà Nội cho biết: “ Gia đình tôi hôm nay (mùng 9 Tết) về đến Đền Hùng lúc 9h sáng. Gia đình tôi gồm 5 người, tôi muốn đưa các con về với Đền Hùng một là để dâng hương các Vua Hùng để các con tôi khắc sâu hơn giá trị lịch sử cội nguồn của dân tộc, hai là dịp để cả gia đình đi du Xuân dịp đầu năm mới. Cơ bản về với Đền Hùng năm nay không bị tắc đường, bãi để xe thoáng, xe điện phục vụ tận tình, chu đáo, và không gian vệ sinh môi trường rất sạch đẹp…”

Cũng như gia đình anh Dương, nhiều du khách từ các tỉnh khác trong cả nước cũng chung đường trở về với Phú Thọ với quê cha đất tổ. Đặc biệt sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 mọi hoạt động tập trung đông người, du lịch, du xuân bị tạm dừng, người dân lại càng mong muốn được hoà mình vào không khí lễ hội hơn bao giờ hết.

Du xuân đầu năm trên vùng đất Tổ không chỉ ở thành phố Việt Trì mà trải đều ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Tương truyền, chính tại nơi đây, mẹ Âu Cơ đã dạy dân Hiền Lương trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, sau khi cùng tiên nữ bay về trời vào ngày 25 tháng chạp đã để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Chính tại nơi này, nhân dân đã dựng ngôi miếu thờ phụng. Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ diễn ra trong 3 ngày (mùng 7, 8, 9 tháng Giêng), tuy nhiên từ những ngày đầu xuân mới, người dân khắp nơi trong cả nước lại hướng về đền Quốc Mẫu để dâng hương tỏ lòng thành kính với Tổ Mẫu, cầu mong cho một năm mới bình an.

Du xuân trên vùng đất Tổ Phú Thọ với những địa danh mang giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm, thêm tự hào về miền đất phát tích của dân tộc.