ISSN-2815-5823
Nguyễn Thùy
Thứ hai, 06h25 26/02/2024

Doanh nghiệp cao su năm 2023 gặp khó, triển vọng nào cho năm 2024?

Hầu hết các doanh nghiệp cao su trên sàn trong năm 2023 đều báo lãi giảm sâu so với năm liền trước. Các chuyên gia trong năm nay kỳ vọng, việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su sẽ là động lực đẩy giá cao su toàn cầu tăng lên, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp cao su năm 2023 làm ăn ra sao?

Quý 1/2023, giá cao su đã giảm đáng kể, sau đó tiếp tục đi ngang ở mức thấp cho đến hết tháng 8 cùng năm. Đến quý 3/2023, giá cao su phục hồi mạnh, tháng 10-11 có sự điều chỉnh và bước vào đà tăng kể từ tháng 12.

Một yếu tố hỗ trợ giá cao su tăng lên là lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt khi Thái Lan - quốc gia xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu trên thế giới đang chịu ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết cực đoan, mưa dông nhiều. Chưa kể, kỳ vọng ngành ô tô thế giới hồi phục giúp thị trường cao su thêm tiềm năng.

Đến quý 3/2023, giá cao su phục hồi mạnh, tháng 10-11 có sự điều chỉnh và bước vào đà tăng kể từ tháng 12. (Nguồn: Tradingeconomics)

Liên quan đến vấn đề này, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá cao su xuất khẩu bình quân trong năm qua của Việt Nam đã giảm 12,7% so với năm 2022, đạt 1.350 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ năm 2019. Đáng chú ý, giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc cũng giảm 10,7%, đạt mức 1.331 USD/tấn.

Công ty đầu ngành cao su tại Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) cho biết, sản lượng cao su khai thác năm 2023 ước đạt 445.000 tấn, vượt gần 5% kế hoạch và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tiêu thụ cao su các loại là 520.290 tấn, vượt 2% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, giá bán mủ cao su bình quân là 30,49 triệu đồng/tấn, so với giá bán kế hoạch giảm 6,55 triệu đồng/tấn, điều này đã tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của những công ty cao su trong ngành.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) cho biết, sản lượng cao su khai thác năm 2023 đạt 445.000 tấn, vượt gần 5% kế hoạch và tăng 3,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần của GVR năm 2023 là 22.080 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022; lợi nhuận ròng cũng giảm 33% và đạt 2.585 tỷ đồng. Không chỉ mảng cao su suy giảm, những dự án Khu công nghiệp của tập đoàn, dự án thu hồi cũng như đền bù đất của các địa phương đã triển khai chậm chạp so với kế hoạch. Cạnh tranh thu hút lao động ngày càng gay gắt đã gây bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của GVR năm 2023.

Tương tự, doanh thu và lợi nhuận của nhiều đơn vị thành viên của GVR cũng suy giảm. Ví dụ, CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) thu về 1.351 tỷ đồng năm 2023, giảm 21% so với năm trước. Chiếm 83% là bán cao su, tương đương mức giảm gần 23%; khoảng 16% doanh thu thuần từ việc cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp, so với năm 2022 đã giảm 12%. Công ty này trong năm qua còn ghi nhận khoản lãi thêm từ công ty liên kết là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, song khoản thu nhập khác lại giảm mạnh do hụt thu tiền bồi thường thực hiện dự án VSIP III. Khi lũy kế cả năm, lợi nhuận ròng đã giảm 30% xuống còn 622 tỷ đồng.

Ảnh: Doanhnhan.vn

Quý 4/2023, kết quả kinh doanh tăng trở lại nhờ cải thiện tiêu thụ và giá bán, nhưng Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) trong cả năm 2023 vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thấp hơn năm liền trước. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.019 tỷ đồng, giảm 16%; lợi nhuận ròng cũng giảm 17% còn 206 tỷ đồng.

Năm 2023, lợi nhuận ròng của Cao su Đắk Lắk (mã chứng khoán: DRG), Cao su Bà Rịa (mã chứng khoán: BRR), Cao su Tân Biên (mã chứng khoán: RTB), Cao su Thống Nhất (mã chứng khoán: TNC) và Cao su Tây Ninh (mã chứng khoán: TRC) đều giảm sút so với năm 2022. Chỉ có Cao su Hòa Bình (mã chứng khoán: HRC) và Cao su Sông Bé (mã chứng khoán: SBR) ghi nhận lãi ròng lần lượt tăng 66% và 40% nhờ thêm doanh thu tài chính đến từ cổ tức của các công ty thành viên.

Năm 2024 liệu có khả quan hơn?

Thực tế, việc xuất khẩu cao su của Việt Nam không khác gì bỏ trứng vào một giỏ khi có đến hơn 99% là được xuất sang Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc được coi là yếu tố chủ chốt tác động đến diễn biến giá cao su của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc trong năm nay sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ ô tô, thúc đẩy hoạt động sản xuất, đẩy nhu cầu nhập khẩu cao su phục vụ cho sản xuất lốp xe cùng các sản phẩm khác tăng lên. Đây sẽ là động lực tăng giá cao su toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường cao su tự nhiên dự báo còn được thúc đẩy đáng kể từ nguồn cung thắt chặt. Tháng 12/2023 xảy ra tình trạng mưa lớn tại Thái Lan đã ảnh hưởng không nhỏ đến vụ mùa. Giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau tại Đông Nam Á thường là mùa cao su cho sản lượng cao. Giá cao su được dự đoán sẽ không giảm cho đến mùa sản lượng thấp tại khu vực (kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4). Còn theo CAAM, doanh số ô tô tại Trung Quốc năm 2024 có thể tăng lên mức khoảng 31 triệu chiếc.

Chưa kể, theo giới phân tích đánh giá, căng thẳng ở Biển Đỏ thời gian qua nhiều khả năng gây ra biến động với giá cao su kỳ hạn và giao ngay. Nguyên nhân bởi, giá cao su tự nhiên thường sẽ được điều chỉnh theo giá dầu (dầu thô là nguyên liệu đầu vào để sản xuất cao su) trong khi giá dầu đang tăng lên do nhiều tàu chở dầu và khí đốt đã được chuyển hướng khỏi tuyến qua Biển Đỏ, đẩy chi phí và thời gian vận chuyển tăng lên.

Việc xuất khẩu cao su của Việt Nam không khác gì bỏ trứng vào một giỏ khi có đến hơn 99% là được xuất sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Theo như số liệu mới nhất, giá cao su tự nhiên kỳ hạn tháng 7 trên Sở giao dịch Osaka (OSE) ngày 19/2/2024 được giao dịch ở mức 298,5 yen, tương đương 1,99 USD/kg - đây là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 17/2/2017 (cao nhất trong vòng 7 năm qua). Trước tình hình này, GVR đã đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 tăng nhẹ so với năm trước. Cụ thể, kế hoạch doanh thu và thu nhập khác ước đạt 24.999 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%; lợi nhuận trước thuế cũng tăng hơn 2%, mục tiêu 4.104 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 3.437 tỷ đồng. Kỳ vọng doanh thu của công ty mẹ là 3.988 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.454 tỷ đồng, tăng hơn 3%.

Về chỉ tiêu sản lượng, cao su khai thác hợp nhất được kỳ vọng ở mức 445.200 tấn, tiến hành thu mua 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn. Giá bán mủ bình quân trong năm nay được dự báo khoảng 34,6 triệu đồng/tấn (tăng 13%), mục tiêu thu hoạch gỗ cao su 6.430 ha. Sản lượng sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) cũng kỳ vọng bằng 106% đến 189% so với thực hiện của năm trước.

Ngoài ra, sản lượng các sản phẩm công nghiệp khác như găng tay, bóng thể thao, băng tải, nệm, gối cao su bằng 92%-106% năm 2023. Khu công nghiệp trong năm nay phấn đấu cho thuê mới 245 ha, tương đương 4,7 lần năm cũ.

Ông Lê Thanh Hưng - Tổng giám đốc GVR cho biết, Tập đoàn trong quý 1/2024 sẽ đẩy mạnh việc giải ngân và đầu tư vào dự án khu công nghiệp. Còn với Cao su Đồng Phú, Chứng khoán Vietcombank cho rằng, giá cao su đang tăng sẽ giúp lợi nhuận 2024 của công ty được cải thiện. Doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ nhận tiền đền bù từ 2 dự án trong năm nay, bao gồm dự án khu dân cư Tiến Hưng 1 và Tiến Hưng 2 tại tỉnh Bình Phước.

Cao su Phước Hòa có dự án khu công nghiệp dự kiến sẽ được khai thác trong năm nay (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 và VSIP III), điều này được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận giữa làn sóng dịch chuyển sản xuất của những doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam.

Theo số liệu hiện tại, doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đang bùng nổ. Michelin cho biết, nhu cầu lốp dành cho xe mới tháng 12 năm ngoái tại thị trường này đã tăng 30% so với năm 2022./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024