ISSN-2815-5823
Thiên Anh
Thứ sáu, 06h00 31/05/2024

Doanh nghiệp địa ốc vượt qua thời khó khăn nhất

(KDPT) - Các doanh nghiệp địa ốc được xem là đã vượt khỏi “vùng đáy” trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường nhưng hiện nay vẫn đang phải chịu nhiều áp lực như gánh nợ lớn, thiếu nguồn vốn, thủ tục pháp lý chưa thông…

Doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng chu kỳ mới

Ngay từ quý I/2024, thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu tích cực, và đang trong trạng thái phục hồi từ từ, chứ không còn “đứng yên” tại chỗ như trước. Các chủ thể trên thị trường như môi giới, nhà đầu tư, chủ đầu tư, doanh nghiệp và khách hàng đang bắt đầu trở lại đường đua. 

Theo ông Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dựa trên các số liệu báo cáo của thị trường bất động sản thời gian qua, có thể thấy rằng thị trường đã bước ra khỏi “vùng đáy”, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Dự báo thị trường sẽ chính thức phục hồi theo xu hướng “chữ V” từ cuối quý II/2024.

Thị trường bất động sản dần hồi phục, các doanh nghiệp trở lại hoạt động. (Ảnh minh họa)
Thị trường bất động sản dần hồi phục, các doanh nghiệp trở lại hoạt động. (Ảnh minh họa)

“Khi ba bộ luật chính thức có hiệu lực, những khó khăn và vướng mắc về mặt thể chế sẽ được tháo gỡ, nguồn cung phục hồi, doanh nghiệp trở lại hoạt động, tạo việc làm cho người dân. Cùng với đó, kéo theo hàng loạt các ngành nghề liên quan như dịch vụ cung cấp đầu vào, vật liệu xây dựng… cũng phát triển trở lại”, ông Dũng chia sẻ. 

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đối với các hội viên là chủ thể doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đang hoạt động, hơn 80% doanh nghiệp ghi nhận tình hình kinh doanh có sự cải thiện hơn trong quý I/2024, ước tính lợi nhuận tăng trung bình khoảng 10%.

Bên cạnh đó, hơn 90% doanh nghiệp đã và đang thực hiện tuyển dụng số lượng lớn môi giới nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh. Thị trường trong quý I/2024 cũng ghi nhận 20-30% môi giới đã quay trở lại với nghề, 30-40% môi giới đã sẵn sàng tái nhập cuộc trong quý II/2024, 60% môi giới đang làm nghề khác và dự định sẽ sớm quay trở lại với bất động sản khi thị trường có chuyển biến rõ nét hơn…

Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang lên kế hoạch “gom đất” chuẩn bị đón đầu cơ hội. (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang lên kế hoạch “gom đất” chuẩn bị đón đầu cơ hội. (Ảnh minh họa)

VARS cho biết thêm, nhờ sự chuyển biến của thị trường bất động sản, cùng việc tự nhìn lại mình để có sự điều chỉnh phù hợp cho mà cả cá nhân và doanh nghiệp làm môi giới đều thấy “khỏe” hơn. Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản nói chung, doanh nghiệp môi giới nói riêng đều thể hiện tâm lý lạc quan khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng cao so với kết quả đạt được năm 2023. 

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang lên kế hoạch “gom đất” chuẩn bị đón đầu cơ hội mới ngay khi thị trường bình thường mới. Bởi lẽ, quỹ đất đang ngày càng khan hiếm nên việc các doanh nghiệp nắm giữ được quỹ đất lớn sẽ quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp địa ốc đối mặt với nhiều "áp lực"

Nhìn chung, thị trường bất động sản nói chung, doanh nghiệp nói riêng đều có sự phục hồi nhất định. Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều “áp lực” lớn, điều gây cản trở quá trình quay trở lại đường đua của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp địa ốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều “áp lực” lớn. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp địa ốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều “áp lực” lớn. (Ảnh minh họa)

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, một số dự án bất động sản đã qua được “cửa ải” thủ tục pháp lý, đưa ra thị trường. Còn một số khác vẫn đang phải nằm “đắp chiếu” do không có vốn, vướng pháp lý chưa xử lý được và phải chờ cơ chế mới giải quyết.

Ông Đính cho biết, các doanh nghiệp địa ốc vẫn cần thêm thời gian để có thể phục hồi, tạo ra những cú hích mới và sớm trở lại vị thế là một trong những ngành đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước như những năm trước đây.

“Tất cả các yếu tố phục hồi tích cực trên thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình tương tác và cần thêm thời gian và chờ thêm sự xuất hiện của chất xúc tác để có thể tạo phản ứng cho ra các kết quả tốt đẹp”, ông Đính nói. 

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết, các doanh nghiệp địa ốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều dự án trong tình trạng thiếu vốn do doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực nợ ngắn hạn, thậm chí tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản.

Vấn đề pháp lý cũng là thách thức lớn đối với các dự án bất động sản như định giá đất, quy hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư… Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng, giá xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ… biến động làm cho chi phí đầu tư tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

“Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất vay vốn không phải vấn đề cốt lõi mà cần nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế”, ông Long kiến nghị.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính)
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính)

Hiện nay, các doanh nghiệp địa ốc còn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu cao nhất trong 3 năm qua. Chính vì thế, doanh nghiệp nên cẩn trọng trong việc đầu tư và triển khai kinh doanh, cân nhắc xu hướng dòng tiền để có thể vừa xử lý được khoản vay nợ, vừa giải được bài toàn nguồn thu vào. 

Cụ thể, bản thân các doanh nghiệp cần tái cấu trúc, cơ cấu lại nguồn vốn để tập trung hoàn thành dứt điểm những dự án dang dở, tránh đầu tư dàn trải, dở dang và đảm bảo phương án trở nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp địa ốc có thể đưa ra những chính sách hạ giá bán và ưu đãi như tăng chiết khấu, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, có các khoản hỗ trợ tài chính, miễn phí quản lý bàn giao nhà, hỗ trợ pháp lý cho khách hàng…

Trong giai đoạn chuẩn bị “khởi động” cho chu kỳ mới, doanh nghiệp địa ốc sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, song đây cũng là thời điểm có thêm nhiều cơ hội mới. Do đó, các doanh nghiệp nên chuẩn bị kỹ lưỡng và tự tin vượt qua giai đoạn khó khăn, kỳ vọng vào sự tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine