Doanh nghiệp ngành thép: Tìm hướng duy trì tăng trưởng
(KDPT) – Với tình hình cạnh tranh gay gắt như như hiện nay, kết quả kinh doanh quý IV/2018 của các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục không có sự cải thiện và bị phụ thuộc vào biến động giá nguyên liệu đầu vào. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đồng thời hướng vào nội địa là giải pháp giúp duy trì tăng trưởng cho ngành này.
Theo báo cáo mới nhất về ngành thép của Công ty CP chứng khoán KIS Việt Nam, thị trường thép đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các DN nội địa như Hoa Sen, Nam Kim, Hòa Phát, Đông Á… Sau khi kết quả kinh doanh quý III được công bố, gần như các doanh nghiệp (DN) thép đều không có kết quả kinh doanh tích cực ngoại trừ Công ty Hòa Phát nhờ làm tốt công tác dự báo nguyên liệu đầu vào và có sản lượng tiêu thụ khả quan.
Phân tích của các chuyên gia trong ngành cho thấy, khó khăn của các DN thép bắt nguồn từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào và nguồn cầu hạn hẹp. Từ tháng 9/2017, giá thép cuộn cán nóng (HRC) – sản phẩm Việt Nam đang phải nhập khẩu (NK) gần như toàn bộ bắt đầu đầu đà tăng mạnh. Nguyên nhân là do Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách thuế mới nhằm bảo vệ môi trường đánh vào các DN sản xuất công nghiệp. Cụ thể, các DN phải chịu các mức thuế cho việc gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, hoạt động khai thác, chế biến quặng và đặc biệt là sản xuất thép. Các chính sách này khiến cho chi phí sản xuất thép thành phẩm tăng, nguồn cung các thành phẩm như HRC bị cắt giảm làm cho giá HRC tăng mạnh. Thị trường xây dựng chững lại trong năm 2018 do các dự án bất động sản mới gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý dẫn đến chậm tiến độ, làm giảm nhu cầu cho mảng vật liệu xây dựng nói cung và ngành thép nói riêng.
Bên cạnh đó, thị trường tôn đang rơi vào tình trạng cung vượt cầu do quy mô thị trường ước tính trong năm 2018 đạt khoảng 3,9 triệu tấn, trong khi công suất hiện tại của một số DN lớn như Hoa Sen (2,3 triệu tấn), Nam Kim (1,1 triệu tấn), Đông Á (0,9 triệu tấn) đã vượt quá khả năng hấp thụ của thị trường. Mặc dù một tỉ trọng lớn sản phẩm được xuất khẩu, trong đó Hoa Sen chiếm 50%, Nam Kim chiếm 44%, sản lượng tôn mạ nhưng thị trường xuất khẩu cũng đang gặp nhiều trở ngại với các vấn đề về thuế tự vệ chống bán phá giá.
Tình trạng cung vượt cầu khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành cao hơn dẫn đến việc cạnh tranh về giá giữa các DN. Chính sách trữ tồn kho 3-4 tháng không giúp DN trụ vững được lâu và nặng nề nhất là vào quý III khi nguyên vật liệu đầu vào đạt đỉnh.
Các chuyên gia dự báo, với tình hình cạnh tranh gay gắt như như hiện nay, kết quả kinh doanh quý IV của các DN sẽ tiếp tục không có sự cải thiện và sẽ phụ thuộc vào biến động giá nguyên liệu đầu vào. Nhìn về triển vọng thị trường năm 2019, các chuyên gia cho rằng, năm 2019, với việc Formosa hoạt động ổn định, rủi ro phụ thuộc vào giá cả HRC Trung Quốc sẽ giảm bớt nhờ vậy kết quả hoạt động kinh doanh của DN thép sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, triển vọng của ngành thép sẽ tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của ngành xây dựng, bất động sản.
Chú trọng thị trường nội địa
Ngoài các khó khăn trên, việc Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ, áp thuế 25%, đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ 7/2018 sẽ khiến ngành thép Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực do lượng thép xuất khẩu từ các quốc gia khác chuyển hướng, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Ngoài ra, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại tại các quốc gia cũng khiến cho ngành thép phải đối mặt với không ít thách thức. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2007-2016, thép Việt Nam phải đối mặt với 29 vụ kiện. Trong đó có 18 vụ kiện chống phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ rất nhiều từ các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Eu, Úc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Tính đến cuối năm 2017, có tổng cộng 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm XK của Việt Nam trong đó các sản phẩm thép và liên quan đến thép là 30 vụ, chiếm khoảng 25%.
Trong năm 2018, theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), chỉ tính riêng từ tháng 8 đến tháng 9/2018, ngành thép đã phải liên tiếp đối mặt với 8 vụ kiện phòng vệ thương mại từ 7 thị trường khác nhau, đưa ngành thép trở thành một trong những ngành chịu áp lực về kiện tự vệ, áp thuế nhiều nhất.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA- cho hay, ngành thép chịu nhiều áp lực do tình hình bảo hộ thương mại đang diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra, áp dụng thuế bảo hộ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước nên gây nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thép không chỉ từ nay đến cuối năm mà còn cả những năm tiếp theo. Muốn tăng trưởng được kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi các DN có sự nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm thị trường mới và có giải pháp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Trong khi đó, thị trường trong nước lại hứa hẹn nhiều triển vọng vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và hoạt động đầu tư được chú ý triển khai ngay từ đầu năm. Để đảm bảo tăng trưởng tiêu thụ thép, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục có những những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các DN trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin đối với DN.
“Về phía VSA sẽ thực hiện tuyên truyền, tổ chức những hội thảo để phổ biến các kiến thức hội nhập cho DN. Mặc dù vậy, VSA cũng khuyến nghị các DN khi xuất khẩu phải nghiên cứu, bố trí thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo cớ cho các nước nhập khẩu tiến hành khởi xướng điều tra”, ông Sưa nhấn mạnh.
Nguồn Báo Công Thương Điện Tử