Doanh nghiệp song hành cùng Blockchain và AI để mở khóa cánh cửa tương lai
Mở ra cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp
Hiện nay, công nghệ Blockchain (chuỗi khối) đang trở thành xu hướng trên thế giới cũng như Việt Nam. Công nghệ này mã hóa dữ liệu thành các khối khác nhau và kết nối chúng lại thành một chuỗi.
Khi có thông tin mới sẽ tạo thành khối dữ liệu mới để kết nối vào khối cũ. Thông tin trong Blockchain có sự thống nhất theo thời gian và không thể sửa đổi. Các thông tin đều được sao lưu tự động trên nhiều máy chủ khác nhau đã kết nối với hệ thống Blockchain. Do đó, sẽ giảm việc mất dữ liệu, tránh được gian lận và đảm bảo tính minh bạch. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain sẽ đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII, khẳng định AI và Blockchain là công nghệ tương lai mà bất kỳ ai cũng cần tiếp cận, bao gồm cả doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và người dân để bắt kịp những thay đổi mới và nâng cao hiệu suất trong mọi hoạt động.
“Doanh nghiệp cần nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tối ưu hóa quy trình và duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ đang biến đổi nhanh chóng”, ông Long nhấn mạnh.
Đưa ra ví dụ về các doanh nghiệp lớn đang triển khai Blockchain hiện nay, TS. Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện ABAII nhìn nhận rằng trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn như Walmart và IBM đang triển khai Blockchain để giảm tới 50% chi phí vận hành, nhờ khả năng quản lý chuỗi cung ứng minh bạch và an toàn, tăng khả năng kiểm soát rủi ro. Trong khi đó với AI, đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu lớn, đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và thúc đẩy doanh thu tăng trưởng lên đến 30%.
Tại Hội thảo “Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai” diễn ra ngày 31/10, ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc Trung tâm AI thuộc Viện Công nghệ và Chuyển đổi số, cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ để thúc đẩy doanh thu, nhưng để đạt được hiệu quả tối ưu, các cá nhân, doanh nghiệp cần hiểu cách thức mà AI đang vận hành, biết phương pháp tư duy ngôn ngữ và cách giao tiếp với AI, giúp AI hiểu đúng yêu cầu của người sử dụng và tối ưu kết quả.
Blockchain đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, tác động sâu rộng từ tài chính, nông nghiệp đến thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực tài chính, Blockchain giúp tối ưu hóa các quy trình thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới và quản lý tài sản. Các công ty tài chính như VNPay, MoMo và ViettelPay đã bắt đầu thử nghiệm các hệ thống thanh toán dựa trên Blockchain nhằm tăng tốc độ giao dịch và đảm bảo tính minh bạch.
Cùng với đó, sàn thương mại điện tử cũng là một lĩnh vực được hưởng lợi lớn từ công nghệ Blockchain. Các nền tảng thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada đã thử nghiệm các giải pháp Blockchain để xác thực tính xác thực của sản phẩm, từ đó tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với các giao dịch trực tuyến.
Nguồn nhân lực là bài toán cần tìm lời giải
Theo báo cáo Xu hướng việc làm 2024 của Microsoft và Linkedln, trong 6 tháng qua, 75% nhân viên tri thức trên toàn cầu sử dụng công cụ này. Trong đó, Người dùng cho biết AI giúp họ tiết kiệm thời gian (90%), tập trung vào công việc quan trọng nhất (85%), sáng tạo hơn (84%) và thích thú với công việc hơn (83%).
Tại các doanh nghiệp, công ty công nghệ hiện nay, khi được hỏi các nhà lãnh đạo đang ưu tiên tuyển dụng những người giỏi về trí tuệ nhân tạo và những người không chuyên về kỹ thuật nhưng có khả năng làm việc với trí tuệ nhân tạo. Trong đó, 71% các lãnh đạo cho biết họ sẽ thích thuê một ứng viên ít kinh nghiệm hơn nhưng có kỹ năng về trí tuệ nhân tạo hơn là một ứng viên có kinh nghiệm hơn nhưng không có kỹ năng này.
Điều này cho chúng ta thấy, hiểu biết và nắm được cách vận hành công nghệ đang là thế mạnh lớn thu hút các nhà tuyển dụng.
Mặc dù các nhà lãnh đạo nhận ra giá trị của việc tuyển dụng nhân viên mới có khả năng làm việc với trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên họ cũng bỏ lỡ giá trị của việc phát triển nguồn nhân lực sẵn có. Chỉ có 39% người sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc trên toàn cầu nhận được đào tạo về trí tuệ nhân tạo từ công ty của họ.
Tuy nhiên, tiềm năng phát triển Blockchain tại Việt Nam vẫn rất lớn. Quyết định 1236/QĐ-TTg đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các giải pháp Blockchain. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, cùng với việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về Blockchain trong khu vực vào năm 2030.
Trong tương lai, Blockchain sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Với tính bảo mật, minh bạch và khả năng ứng dụng đa dạng, Blockchain giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh và tạo ra các dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Cùng với đó, việc xây dựng một hệ sinh thái Blockchain toàn diện sẽ giúp Việt Nam tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, bên cạnh đó còn thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ số. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường, tăng cường hội nhập quốc tế và tiến tới trở thành một nền kinh tế số mạnh mẽ trong khu vực.
Áp dụng mạnh mẽ các công nghệ như Blockchain hay AI đã, đang và sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội lớn để Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu về ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, đưa đất nước có những nấc thang phát triển mới hùng cường, thịnh vượng./.
- Ngân hàng mở và trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng và tương lai của ngành tài chính ngân hàng
- Đầu tư phát triển Gen AI “thuần Việt” tạo động lực cho nền kinh tế số