Doanh nghiệp Việt và những bước đi trong hành trình chinh phục công nghệ sản xuất thông minh
Công nghệ là yếu tố then chốt trong sản xuất thông minh
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng chia sẻ: “Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt FTA thế hệ mới đã được ký kết và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu rộng.
Sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp, tạo áp lực lớn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua thách thức cốt yếu về việc hấp thụ. Đồng thời, cần đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về các quốc gia dẫn đầu chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số), trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%).
Doanh nghiệp Việt đã có những bước đi trong hành trình đổi mới công nghệ
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ học máy (Machine Learning), AI, IoT..., sản xuất thông minh đã giúp Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư, lãi vay tăng. Năng suất lao động tăng 30% với sản phẩm LED (từ 5,5 triệu sản phẩm/tháng lên 7,5 triệu sản phẩm/tháng) và tăng 37% với sản phẩm phích (1,4 triệu sản phẩm/tháng lên 1,9 triệu sản phẩm/tháng).
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng, tự động hóa và nâng cao tự động hóa trong các quy trình sản xuất, tạo ra hệ thống sản xuất thông minh và hiệu quả giúp tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa nguồn lực một cách tối đa. Đây là những bước tiến quan trọng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững của Rạng Đông trong việc cam kết bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Tượng tự là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), phát triển bền vững là yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tại hội thảo doanh nghiệp hành động chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Điều hành Trưởng Dự án Net Zero Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết nhiều năm qua, Vinamilk đã luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Cụ thể, như sáng kiến lắp đặt hệ thống thu hồi nước rửa ngược lọc để tái sử dụng và giảm tải xử lý nước thải đã giúp tiết kiệm 235.761 kWh điện, 48.180 m3 trong năm 2023 hay sáng kiến lắp đặt thêm cảm biến phát hiện sản phẩm và van tự động đóng mở đường thổi khí nén. Khi cảm biến phát hiện có sản phẩm, van tự động sẽ mở cho đường khí nén thổi khô bề mặt trước khi dán ống hút...
Để giảm phát thải, Vinamilk đã tiến hành trồng nhiều cây xanh nhằm bù lại lượng khí thải do quá trình sản xuất thải ra. Đặc biệt, Vinamilk đã chuyển đổi 87% năng lượng xanh thay thế cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh... Với những giải pháp nêu trên, Vinamilk cam kết sẽ giảm 15% khí nhà kính phát thải vào 2027, 55% vào năm 2030 và đạt mục tiêu Net Zero vào 2050.
Xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển bền vững, ông Đàm Quang Huy - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam tại huyện Chư Păh đã chú trọng liên kết hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ với các đối tác lớn và tiếp cận thị trường theo hướng tạo ra các sản phẩm mật ong hoa cà phê theo nhu cầu sử dụng chuyên nghiệp.
Để sản phẩm có thể bảo quản trong thời gian dài, ông Huy đã xử lý mật ong qua các công đoạn với máy hạ thủy phần, phá kết tinh, khử nấm, diệt nấm bằng dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018.
Ông Huy cho biết: Công ty đặc biệt chú trọng đổi mới sáng tạo trong các hoạt động như: kết hợp hình thức giữa phân phối online và phân phối kênh truyền thống; tập trung vào con người, chuyên sâu từng bộ phận riêng như kinh doanh và sản xuất; đầu tư chuyên nghiệp vào hình ảnh sản phẩm trên bao bì.
Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển buộc phải ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ cao. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải tích lũy nguồn lực về vốn, con người… Đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế trong định hướng phát triển gắn với thị trường, tạo không gian rộng mở phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, nắm bắt xu hướng phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang tăng cường đầu tư áp dụng công nghệ, phát triển nhà máy thông minh, mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh chú trọng cả những ngành công nghiệp nền tảng và ngành mới, công nghệ cao quyết định sự bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế./.
- Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển quốc gia
- Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ vào Việt Nam