Dòng tiền có “đổ” vào chứng khoán khi lãi suất cho vay margin thấp?
Chạy đua ưu đãi cho vay margin lãi suất thấp để thu hút nhà đầu tư
Bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi đau đầu tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời cao hơn. Theo đó, mặt bằng lãi suất thấp cũng giúp các công ty chứng khoán đẩy mạnh cho vay ký quỹ (margin) để giành thị phần sau giai đoạn chạy đua tăng vốn.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, làn sóng công ty chứng khoán đua cho vay margin (giao dịch ký quỹ, vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu) lãi suất thấp đang diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, lãi suất vay margin chỉ từ 6-8%/năm, giảm gần một nửa so với mức 13-15%/năm của năm 2023.
Được biết, Công ty chứng khoán DNSE hiện đang cho vay margin với lãi suất từ 5,99% với sản phẩm Rocket X trong thời gian 6 tháng. Còn với gói vay Rocket 10 ngày, nhà đầu tư sẽ được miễn phí lãi suất trong vòng 10 ngày, lãi suất sau giai đoạn ưu đãi vào khoảng 15%/năm.
Còn tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam triển khai chương trình lãi suất 0% khi nhà đầu tư mở tài khoản ký quỹ từ ngày 19/2 đến 19/3, lãi suất 0% áp dụng cho 100 triệu đồng dư nợ đầu tiên. Ngoài ra, nhiều gói margin khác với lãi suất từ 8-9%/năm với tiêu chí vay nhiều, lãi suất giảm...
Công ty chứng khoán chạy đua ưu đãi cho vay margin lãi suất thấp để thu hút nhà đầu tư. (Ảnh minh họa) |
Theo ghi nhận cho thấy, hàng loạt công ty chứng khoán đang chạy đua cho vay margin lãi suất thấp để khuyến khích nhà đầu tư mở tài khoản, sử dụng đòn bẩy tài chính. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam mới đây đã ra mắt gói vay ký quỹ với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư giao dịch nhiều hơn. Cụ thể, khi khách hàng mở tài khoản mới từ nay đến ngày 31/3 sẽ được ưu đãi gói margin lãi suất 7,99%/năm với hạn mức dư nợ tối đa 500 triệu đồng/tài khoản.
Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết, đơn vị này đang triển khai chương trình ưu đãi, hoàn lãi suất margin tới 50 triệu đồng, margin lãi suất 9%/năm áp dụng đối với tài khoản khách hàng có dư nợ lớn và chính sách marin T+7 (miễn lãi suất trong 7 ngày đầu).
Nhân viên môi giới của SSI nhận xét, với việc được hoàn lãi suất tối đa 50 triệu đồng trong cả năm 2024, lãi suất trung bình khoảng 10,8%/năm. Với chương trình miễn lãi suất 7 ngày, nếu sử dụng margin liên tục trong khoảng 25 ngày đầu, lãi vay sẽ thấp hơn nhiều so với mức 13,5-15%/năm của các công ty chứng khoán khác.
Bên cạnh lãi suất margin thấp, nhiều công ty chứng khoán cũng triển khai chính sách “zero fee” - phí 0 đồng nhằm khuyến khích nhà đầu tư giao dịch.
Trong giai đoạn chỉ số VN-Index tăng từ vùng 1.000 điểm lên trên 1.200 điểm từ tháng 11/2023 đến nay, thị trường chứng khoán đã và đang thu hút dòng tiền nhàn rỗi nhập cuộc trở lại. Tuần vừa qua (từ ngày 19-23/2), tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và Upcom ghi nhận đà tăng mạnh 29% so với tuần trước, đạt 26.000 tỷ đồng/phiên. Đáng chú ý, phiên cuối tuần 23/2, sàn HoSE ghi nhận giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 32.000 tỷ đồng, khối lượng giao dịch lên tới 1,32 tỷ cổ phiếu - mức cao nhất từ phiên tháng 8/2023 đến nay.
Số liệu mới nhất của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 1/2024, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt con số hơn 7,35 triệu, tăng hơn 125.000 tài khoản so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong báo cáo chiến lược 2024 của SSI cho rằng, lãi suất thấp kỷ lục là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế. Dòng vốn này có thể quay trở lại thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Nhu cầu vay margin để lướt sóng chứng khoán gia tăng trong bối cảnh thanh khoản thị trường đã cải thiện. (Ảnh minh họa) |
Cuộc đua cạnh tranh thị phần thêm nóng
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, tính đến hết quý IV/2023, top 10 công ty có thị phần môi giới lớn nhất lần lượt là VPS, SSI, TCBS, VNDS, HSC, MBS, MAS (Mirae Asset), Vietcap, FPTS và KIS.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, các công ty chứng khoán đang tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất margin nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mở tài khoản, tăng giao dịch để cạnh tranh thị phần.
Cuộc đua cạnh tranh này được thúc đẩy và tạo thuận lợi nhờ môi trường lãi suất thấp kỷ lục. Phân tích rõ hơn, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất của ngân hàng giảm cả với tiền gửi và cho vay, qua đó giúp nhiều công ty chứng khoán (đa phần là công ty con của các ngân hàng) tiếp cận được với nguồn vốn đầu vào chi phí thấp. Theo đó, công ty chứng khoán có nguồn vốn thấp để cho vay.
Ông Phương cho biết thêm, trong năm 2023, nhiều công ty chứng khoán đã tăng vốn hoặc đang chuẩn bị kế hoạch tăng vốn, giúp nguồn vốn dồi dào cần đẩy mạnh cho vay. Thanh khoản thị trường năm ngoái sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu giảm, chỉ số VN-Index “lặng sóng” nên nhà đầu tư cũng giảm vay, nhu cầu sử dụng margin không cao. Tuy nhiên, thị trường gần đây đã sôi động trở lại, chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm nên các công ty cũng giảm lãi suất margin để kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường trở lại.
Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nhu cầu vay margin để lướt sóng chứng khoán của các nhà đầu tư đang gia tăng trong bối cảnh thanh khoản thị trường đã cải thiện nhiều hơn so với giai đoạn trước. Các công ty chứng khoán cũng đua tăng vốn từ vài nghìn tỷ đồng lên cả chục nghìn tỷ đồng, dư địa cho vay theo đó càng nhiều hơn. Hiện nay, nguồn vốn ngân hàng đang dồi dào, lãi suất cho vay thấp nên sẵn sàng cung ứng cho các công ty chứng khoán cho vay margin.
Bên cạnh đó, không chỉ cạnh tranh để gia tăng thị phần, việc đẩy mạnh margin cũng đóng góp phần lớn vào doanh thu của các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho thấy, số dư cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán cả năm đạt 16.600 tỷ đồng, tăng 78% so với năm trước. Ngoài ra, doanh thu lãi các khoản cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán quý IV/2023 cũng đạt tới 502 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, mảng này cũng đem về 1.600 tỷ đồng doanh thu cho công ty chứng khoán này.
TCBS cho biết, số dư cho vay ký quỹ tăng cao xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư cá nhân tích cực hơn trong bối cảnh lãi suất giảm, chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm.
Mặt bằng lãi suất thấp và kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục được duy trì, thúc đẩy trong năm nay giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. (Ảnh minh họa) |
Trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục và kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục được duy trì, thúc đẩy trong năm 2024 giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, trong bất kỳ tình huống nào, nhà đầu tư chứng khoán cũng không nên “full margin” (sử dụng tối đa tỷ lệ ký quỹ cho phép để mua cổ phiếu). Bởi, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, khi thị trường giảm mạnh thì nguy cơ tài khoản bị “call margin” (yêu cầu nạp thêm tiền ký quỹ) hoặc bị bán giải chấp cổ phiếu là rất lớn.
Chỉ số VN-Index hiện được kỳ vọng tiếp tục tăng khi đón mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết với triển vọng kinh doanh hồi phục, nhà đầu tư có thể sử dụng margin để đạt mức sinh lời cao. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần kiểm soát margin với tỷ lệ vừa phải, tránh mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua. Đặc biệt, không dùng margin mua những mã đã tăng nóng.
Nhận định về thị trường chứng khoán thời gian tới, ông Ngô Minh Đức - Founder Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính LCTV cho rằng, về dài hạn, thị trường vẫn còn nhiều điểm sáng từ bệ đỡ vĩ mô ổn định, lãi suất huy động tiếp tục giảm, lợi suất trái phiếu thấp và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Với tiềm năng đó, chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư thu hút dòng vốn từ các kênh khác như gửi tiết kiệm, vàng... đổ vào, qua đó khiến thanh khoản thị trường ngày càng tăng cao. Trên thực tế, gần đây liên tục xuất hiện các phiên giao dịch “tỷ USD” và chuyên gia tin tưởng thanh khoản vẫn sẽ đạt ngưỡng cao hơn trong thời gian tới./.