ISSN-2815-5823
Bình Nguyên
Thứ sáu, 07h44 30/08/2024

Dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

(KDPT) - Dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh và kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt vùng kháng cự 1.290-1.300 điểm.

Duy trì nhịp tích lũy

Thị trường ghi nhận thêm phiên giao dịch cân bằng dù có khởi đầu khá thuận lợi. Thị trường tăng trong phiên nhưng đà tăng gập ghềnh và bị thu hẹp đáng kể về cuối phiên. Chỉ số VN-Index kết phiên ở ngưỡng 1.281,5 điểm dù tiếp tục ghi nhận 214 mã giảm ưu thế. Chỉ số HNX-Index giảm 0,15%, chỉ số Upcom-Index giảm 0,3%. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn giảm còn 15,144 tỷ đồng khớp lệnh.

Biểu đồ: Chỉ số VN-Index (Đồ thị VN-Index đã được điều chỉnh giá để hiển thị đồ thị nến tốt hơn)
Biểu đồ: Chỉ số VN-Index (Đồ thị VN-Index đã được điều chỉnh giá để hiển thị đồ thị nến tốt hơn)

VN30 +0,24%. Trạng thái chung khá phân hóa, tương ứng 12 mã tăng và 14 mã giảm. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng nổi lên dẫn dắt thị trường sau thông tin mở room tín dụng cho các ngân hàng đạt 80% chỉ tiêu tín dụng 2024. Điểm nhấn tại STB +3% và BCM +2,9%, VHM +1,5%, HDB +1,1% so với VRE -1,3% và PLX -1,2% ở phía đối lập. Trái chiều, VNMidcap -0,41% và VNSmallcap -0,4%.

Nhóm Ngân hàng thể hiện diễn biến nổi bật ngay từ đầu phiên nhưng dần hạ nhiệt sau đó. Động lực tích cực giữ vững ở STB, HDB; còn EIB -2,4% suy yếu rõ rệt từ vùng giá cao.

Mặc dù nhóm Ngân hàng rất tích cực nhưng thị trường lại phân hóa với các nhóm cổ phiếu còn lại như Thép, Bất động sản điều chỉnh trở lại. Ngược lại, nhóm Chăn nuôi, Hóa chất diễn biến tích cực.

Lực bán chủ động tăng cao khiến VCI -2,9% điều chỉnh khá so với mặt bằng chung. Vận động ở nhiều mã Bất động sản tầm trung NVL, NTL, HTN, PDR, HPX hay MSB, SBT cũng nghiêng về chiều tiêu cực.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE sụt giảm về mức 12,7 nghìn tỷ đồng.

Quán tính rút ròng của khối ngoại nối dài với giá trị 117 tỷ đồng; chủ yếu vẫn đến từ HPG (-130 tỷ đồng). Ngược lại, FPT, STB được mua ròng tốt nhất; quy mô tương đương nhau là 112 tỷ đồng.

Thị trường tương lai: Hợp đồng VN30F2409 đóng cửa tại 1.326,8 điểm, tăng +4,7 điểm. KLGD ở mức thấp 165 nghìn đơn vị. Điểm Basis chỉ +0,13 điểm.

Hợp đồng VN30F2409 tạm chững lại từ vùng 1.330. Các tín hiệu kỹ thuật RSI và MACD dù vẫn trung tính mạnh nhưng đang có dấu hiệu suy giảm. Do đó, đà tăng của Hợp đồng VN30F2409 có thể bị ảnh hưởng và dự kiến dao động hẹp trong vùng 1.322-1.328.

Chứng quyền: Sắc xanh quay lại chiếm ưu thế với 42 mã tăng trung bình +7,8% và 31 mã giảm bình quân -6,3%. Giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 43 tỷ đồng, tăng 39% so với phiên trước.

Quan điểm thị trường

VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp 1.277-1.286. Tín hiệu kỹ thuật RSI và ADX duy trì trung tính, tuy nhiên, riêng chỉ báo RSI có dấu hiệu suy giảm nhẹ. Bên cạnh đó, thanh khoản thấp có thể khiến đà bứt phá của chỉ số gặp thử thách. 

SSI dự báo VN-Index sẽ tiếp diễn trạng thái tích lũy. Nếu chỉ số không giữ vững trên ngưỡng 1.275, xu hướng ngắn hạn có thể đảo chiều.

Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng kháng cự 1.290-1.300 điểm. Đồng thời, dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh và kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt vùng kháng cự 1.290-1.300 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và mua mới tại các nhịp điều chỉnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine