ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ năm, 06h30 22/02/2024

Dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế ASEAN, Việt Nam nhiều cơ hội dẫn đầu

GDP năm 2023 đạt 5,05% giúp kinh tế Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong nhóm các nước ASEAN-6. Năm 2024 dự báo có nhiều động lực lớn giúp các nền kinh tế trong khu vực trở thành tâm điểm hồi phục và tăng trưởng.

Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong ASEAN-6

Các nước trong khu vực ASEAN-6 đã công bố kết quả tăng trưởng GDP 2023 bao gồm: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines.

Tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN-6 trong giai đoạn 2021 - 2023.

Quốc gia ghi nhận tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực trong năm qua là Philippines. Theo cơ quan thống kê nước này, nền kinh tế của quốc gia này trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, rào cản như giá lương thực tăng mạnh và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng kéo dài. Để giải quyết vấn đề và kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương Philippines phải tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều năm nay.

Kết quả, nền kinh tế nước này không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra năm 2023 vì lạm phát gia tăng và lãi suất tăng khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu. Theo dữ liệu được công bố, tăng trưởng GDP của Philippines năm qua đạt 5,6% so với cùng kỳ, thấp hơn con số 7,6% năm 2022 và không đạt mục tiêu 6 - 7% đề ra của Chính phủ.

Ông Domini Velasquez - Kinh tế trưởng tại China Banking Corp. (Manila) dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines trong năm 2024 sẽ tăng lên vì lạm phát hạ nhiệt và BSP có thể sẽ giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.

Vị chuyên gia lưu ý: “Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng nền kinh tế vẫn phải đối diện với các cơn gió ngược, như suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị gia tăng”.

Đối với Việt Nam, tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong khu vực. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% trong tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, đóng góp 8,84%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, góp 28,87%; Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, góp tới 62,29%.

Tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,05%.

Theo nhận định về tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Tổng cục Thống kê, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới có thể còn hiện hữu và tác động tiêu cực tới triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Song, vẫn còn cơ hội để phục hồi kinh tế Việt Nam một cách tích cực, nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm qua có tác động rõ rệt hơn. Các động lực về đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư công, FDI, doanh nghiệp Nhà nước), xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các vấn đề còn tồn đọng, bất cập kéo dài, nhất là những vướng mắc của doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, dự án đầu tư…

Tiếp theo là Indonesia khi mức tăng trưởng GDP năm 2023 của nước này đạt 5,05%, thấp hơn con số 5,31% vào năm trước đó. Việc nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm GDP so với năm trước là vì giá hàng hóa và nhu cầu bên ngoài rất yếu.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của Indonesia chỉ tăng 1,32%, thấp hơn nhiều so với con số 16,32% trong năm 2022. Chính phủ nước này vẫn lạc quan đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 là 5,1 - 5,7% dù bối cảnh kinh tế toàn cầu có thể suy thoái.

Từ vị trí dẫn đầu, Malaysia xếp xuống vị trí thứ 4 trong năm 2023. Cơ quan Thống kê nước này cho biết tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt 3,8%.

Trong đó, ngành dịch vụ tăng 5,4%, ngành xây dựng tăng 5,8% và sản xuất tăng 0,8%. Cơ quan Thống kê nhận định, kết quả khiêm tốn này là do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm xuất khẩu hàng hóa vì nhu cầu toàn cầu yếu, giá hàng thấp. Tính riêng quý IV/2023, GDP nước này ước tính tăng 3,4% so với cùng kỳ.

Theo ông Mohd Afzanizam Abdul Rashid - Kinh tế trưởng tại Bank Muamalat Malaysia, sự suy thoái của Malaysia phản ánh xu hướng toàn cầu lan rộng hơn trong bối cảnh Nhật Bản và Anh suy thoái mạnh vào cuối năm 2023.

Vị này cho biết, nhu cầu bên ngoài có thể là yếu tố rủi ro chính ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này, khi chi tiêu dùng tăng chậm vì người dân lo ngại chi phí sinh hoạt tăng cao.

Chính phủ và ngân hàng trung ương Malaysia đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế là 4 - 5% trong năm 2024.

Thái Lan nâng hạng lên vị trí thứ 5, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cho biết, GDP nước này năm qua đạt 1,9%, thấp hơn mức 2,5% năm 2022 do xuất khẩu yếu. Tính riêng quý IV/2023, GDP Thái Lan tăng 1,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức 1,5% trong quý III/2023.

Trượt xuống vị trí thứ 6, Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore cho biết, tăng trưởng GDP nước này chỉ đạt 1,2% trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.

Tính riêng quý IV/2023, GDP của Singapore đạt 2,8%, thấp hơn mức 3,6% của năm 2022 vì nhu cầu hàng hóa yếu từ những đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, EU, Trung Quốc, khiến hoạt động xuất khẩu của nước này bị ảnh hưởng.

Theo dự kiến, tăng trưởng GDP Singapore năm 2024 sẽ đạt từ 1 - 3% với kỳ vọng về sự phục hồi của các mặt hàng xuất khẩu và ngành bán dẫn.

Dự báo tăng trưởng GDP lạc quan năm 2024

Năm ngoái, Maybank dự báo tăng trưởng GDP của ASEAN-6 sẽ tăng lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025. Trong đó, dự kiến tăng trưởng GDP của ASEAN-6 phục hồi từ 4% năm 2023 lên 4,7% năm 2024 và 4,8% năm 2025.

Theo nhận định của nhóm phân tích, một số tín hiệu cho thấy “chồi xanh đang nảy mầm” trong dữ liệu sản xuất và xuất khẩu năm qua, củng cố triển vọng tăng trưởng cho năm 2024. Xuất khẩu của ASEAN-5 (không bao gồm Philippines) đã hồi phục rõ rệt. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của một số nền kinh tế trong khu vực đã trở lại trên mức 50 điểm (Singapore, Indonesia và Philippines).

Nhóm phân tích của Ngân hàng này cũng cho rằng, sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu sẽ có tác động tới các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Nền kinh tế các nước trong khu vực có tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trong GDP cao hơn gồm 3 nước: Singapore, Việt Nam và Malaysia.

Bên cạnh đó, FDI tăng cùng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sẽ trở thành đòn bẩy của khối ASEAN trong quá trình phục hồi thương mại toàn cầu. Maybank dự báo, việc chuyển đổi vốn FDI được phê duyệt sang FDI sẽ nhanh hơn khi nhu cầu bên ngoài tăng thêm.

FDI tăng cùng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sẽ trở thành đòn bẩy của khối ASEAN.

Trong báo cáo tháng 1/2024, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings nhận định, xét triển vọng kinh tế ngắn hạn, trong năm 2024, ASEAN vẫn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục mở rộng tại một số nền kinh tế lớn trong khu vực. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sẽ phục hồi rõ nét hơn.

Dù những khó khăn vẫn còn đó, khi xuất khẩu hàng hóa ở một số nước công nghiệp châu Á giảm đáng kể vì các thị trường tiêu dùng trọng điểm khu vực Tây Âu hay Trung Quốc đại lục suy yếu, dự kiến xuất khẩu hàng hóa của khối ASEAN sẽ dần tăng lên trong năm nay.

Theo đánh giá của S&P, xét triển vọng trung hạn, nhờ sự mở rộng bền vững trong tiêu dùng cá nhân tại những thị trường tiêu dùng lớn nhất khu vực như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia sẽ giúp tăng trưởng khu vực ASEAN vẫn "rất tích cực". Việc các Chính phủ đầu tư mạnh vào đầu tư công, cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhu cầu nội địa.

Trong đó, Indonesia sẽ trở thành một trong các thị trường mới nổi hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới, dự báo quy mô GDP nước này tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD năm 2022 lên 4,1 nghìn tỷ USD năm 2035.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của S&P Global cho rằng, Việt Nam và Philippines cũng sẽ gia nhập nhóm các thị trường mới nổi lớn vào năm 2035. Trong khi Malaysia dự kiến trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với kỳ vọng GDP bình quân đầu người đạt khoảng 26.000 USD vào năm 2035./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024