Fintech đối với định chế tài chính ở Việt Nam như thế nào?
Tổng quan về Fintech
PwC định nghĩa Fintech là một lĩnh vực giao thoa của dịch vụ tài chính và công nghệ. Ở đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường sử dụng công nghệ để cải tiến và đổi mới các sản phẩm, dịch vụ đang được cung cấp bởi các định chế tài chính truyền thống.
Theo định nghĩa của IOSCO, Fintech là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả các mô hình kinh doanh sáng tạo và công nghệ mới nổi có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính. Những mô hình kinh doanh công nghệ tài chính sáng tạo thường cung cấp một hoặc là nhiều loại dịch vụ tài chính theo cách tự động hóa thông qua việc sử dụng internet. Công nghệ mới nổi như là hệ thống điện toán nhận thức, học máy, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sổ cái phân tán được ứng dụng bởi các tổ chức Fintech mới gia nhập thị trường, cả những định chế tài chính truyền thống có tiềm năng thay đổi cơ bản ngành dịch vụ tài chính (OICU-IOSCO, 2017).
(Ảnh minh họa) |
Như thế, thuật ngữ Fintech có liên quan đến việc ứng dụng sáng tạo công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực tài chính, thiết kế và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính số hóa. Các công ty khởi nghiệp Fintech sử dụng những tiến bộ công nghệ để có thể cải tiến các dịch vụ tài chính như quá trình thanh toán, chống gian lận, cải thiện các kế hoạch tài chính, quản lý tài sản, cho vay, gây quỹ.
Thực tế phát triển của Fintech ở Việt Nam
Thành tựu phát triển Fintech
Có thể thấy, với những tiến bộ rất nhanh chóng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, khi mà thế giới đang chuyển dần sang Cách mạng Công nghiệp 4.0 và 5.0 thì các sản phẩm công nghệ chính là nền tảng để cho Fintech hình thành và phát triển. Song song với đó, trên thế giới, thương mại điện tử và kinh tế số đã có những bước nhảy vượt bậc. Và những tiến bộ đó cung cấp cho Fintech công cụ để định hướng các dịch vụ đến các lĩnh vực phục vụ, giúp cho những nhà quản trị Fintech đưa ra được những sản phẩm mang sắc thái thiết kế hệ thống có tính hiệu quả, tối ưu và bảo mật cao hơn. Song song với đó, những sản phẩm này sẽ giúp cho người sử dụng có thể khai thác, xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng hơn.
Xét về phương diện các sản phẩm tài chính, bởi sự phát triển nhanh chóng hệ thống mạng internet, sự ra đời ATM và đã tiền đề để thanh toán không dùng tiền mặt. Để từ đó, Fintech cung cấp các sản phẩm như ví điện tử, E-banking, quản lý ngân sách, đầu tư chứng khoán, tín dụng trả góp, tiền điện tử, công nghệ Blockchain. Và trên thực tế, Fintech còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác như là cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tư vấn tài chính, quản trị dữ liệu, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống,...
Đối với thị trường Việt Nam, khái niệm Fintech đã xuất hiện vào năm 2015 bởi một số công ty làm dịch vụ tài chính. Theo như báo cáo của Statista, trước năm 2015, Việt Nam có gần 50 công ty và đến năm 2017 thì Việt Nam đã có hơn 94 công ty hoạt động ở trong lĩnh vực Fintech.
(Ảnh minh họa) |
Những công ty Fintech ở Việt Nam đã phát triển các ứng dụng và nền tảng thanh toán điện tử để có thể cung cấp các dịch vụ như là chuyển tiền trực tuyến, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến cùng các dịch vụ tài chính khác. Và những công ty này đã tạo ra được sự tiện lợi cũng như thay đổi cách người dùng tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính.
Theo như thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán qua QR Code trong năm 2022 tăng đến hơn 225% về số lượng, 244% về giá trị so với năm 2021. Còn trong thời gian 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, tỷ lệ giao dịch Internet tăng 60,3% còn qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR Code tăng 105%.
Trong khi đó, đến thời điểm cuối năm 2022, tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký, sử dụng là hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8,9 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, 15,3 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán. Ngoài ra thì thị trường Việt Nam cũng có khoảng 120 triệu ví điện tử, có đến 3.300 tỷ đồng được người dân duy trì trong ví điện tử để thanh toán, ước tính đến năm 2025 thì lĩnh vực thanh toán ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, lên đến 19%/năm.
Có thể thấy, sự phát triển một cách nhanh chóng các công ty Fintech ở Việt Nam cũng như bùng nổ các khách hàng sử dụng dịch vụ của Fintech cho thấy được những thành quả sau:
Đầu tiên đó là thị trường Fintech Việt Nam phát triển với tốc độ khá tốt, ổn định. Với những sản phẩm dịch vụ tài chính có tính ưu việt hơn so với những hình thức truyền thống nên ngày càng có nhiều khách hàng tiếp cận. Cũng từ đó, các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại cũng đang dần áp dụng các sản phẩm của Fintech để có thể phát triển, tiếp cận với người tiêu dùng, tạo được chỗ đứng trên thị trường Fintech. Bởi vì hoạt động của Fintech không cần nhiều đến các phòng giao dịch như những ngân hàng thương mại nên có thể giảm được chi phí đáng kể.
Thứ hai đó là thị trường Fintech Việt Nam trong những năm qua đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Có rất nhiều nhà đầu tư đã cung cấp vốn cho nhiều thương vụ, dự án của các công ty Fintech nổi tiếng trên thế giới hướng đến thị trường Việt Nam. Theo đó, những khoản đầu tư cho thị trường Fintech lên đến hàng trăm triệu USD, thậm chí là lên đến hàng tỷ USD - cho thấy được thị trường này ngày càng bùng nổ.
Thứ ba, đối với kỹ thuật số phát triển, kỹ thuật xử lý dữ liệu khi tiếp cận Big Data tốt hơn nên tính bảo mật trong các dịch vụ của Fintech tốt hơn.
(Ảnh minh họa) |
Thứ tư đó là Fintech đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới làm thay đổi các kênh phân phối, các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống. Cũng từ đó, tạo ra những dư địa thuận lợi để có thể nhanh chóng hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới.
Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ mới như là Big Data, Blockchain, hệ thống định danh cá nhân sinh trắc học, định danh khách hàng điện tử giúp cho các tổ chức tài chính có thể thu thập được dữ liệu một cách chính xác, cải tiến quá trình phân tích khách hàng, cải thiện chất lượng phục vụ, tiết kiệm được chi phí giao dịch cũng như hạ tầng kỹ thuật. Đáng chú ý, Blockchain đã mang đến cho các doanh nghiệp nhiều thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như phân phối sản phẩm, gia tăng đáng kể giá trị của sản phẩm.
Thứ sáu đó chính là ứng dụng Fintech sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế ở những vùng sâu, vùng xa của đất nước. Những dịch vụ của Fintech sẽ tạo được điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi kiện tiếp cận đến những nguồn vốn cần thiết. Hay thậm chí, cả những khách hàng không có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn bởi những rào cản về thủ tục hoặc về mặt địa lý.
Thứ bảy là với sự phát triển của công nghệ thông tin, dịch vụ của Fintech hoạt động 24/7 cả về không gian lẫn thời gian. Điều đó cũng giúp cho khách hàng thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch và thanh toán, thậm chí cả giao dịch và thanh toán quốc tế (hoạt động của các công ty cho vay P2P chính là một minh chứng).
Và từ vai trò, nhiệm vụ của mỗi định chế tài chính, từ thực tiễn mà các công ty Fintech của Việt Nam đang hoạt động thì chúng ta thấy hoạt động của các doanh nghiệp Fintech đều hoàn toàn đáp ứng được đầy đủ mọi nhiệm vụ như một định chế tài chính. Hơn thế, các sản phẩm mà Fintech đưa ra đều thỏa mãn những yêu cầu cụ thể của khách hàng đó là nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả, có tính bảo mật cao, chi phí thấp,...
Những hạn chế của Fintech
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật thì Fintech ở thị trường Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế, cụ thể:
Đầu tiên, dựa trên nền tảng công nghệ đề phát triển thì bản thân hoạt động Fintech lại có nguy cơ cao khi bị tấn công mạng và lấy đi những dữ liệu có tính bảo mật của khách hàng. Bởi lẽ, giải pháp công nghệ cao luôn luôn có hai mặt. Mặt tích cực sẽ góp phần to lớn trong sự phát triển, còn tiêu cực thì cũng có những hậu quả khôn lường. Theo đó, nếu như có một sự cố nhỏ (hay có phá hoại) sẽ dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống, gây thiệt hại cho khách hàng.
Thứ hai đó là sự phát triển quá nhanh của dịch vụ Fintech làm cho các quy định của hệ thống pháp luật không thể theo kịp. Sản phẩm Fintech luôn đổi mới, sáng tạo tuy nhiên phương thức hoạt động hay những sản phẩm được đưa ra có phù hợp với quy định pháp lý hay không là vấn đề cần phải nghiên cứu. Lúc đó, pháp lý đã đi sau một bước. Chính vì thế, có thể xuất hiện những hình thức lừa đảo khách hàng, gây ra thiệt hại, mất niềm tin của người dùng.
Thứ ba, sự xuất hiện của các công ty Fintech đã làm giảm đi thị phần của những ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính. Tuy nhiên, thước đo rủi ro của những sản phẩm Fintech là như thế nào? Điều này phải được kiểm chứng qua thời gian.
(Ảnh minh họa) |
Thứ tư, với sự kết hợp một cách chặt chẽ với trí tuệ nhân tạo (IoT), xu hướng tổ chức tài chính không giấy, ngân hàng không giấy sẽ giảm đáng kể được nguồn lực. Mặc dù vậy thì để đáp ứng được yêu cầu đó đòi hỏi trình độ tiếp cận công việc của nhân viên Fintech là khá cao, trong khi đó hệ thống đào tạo hiện nay chưa thể đáp ứng được một cách đầy đủ.
Cuối cùng, hiện nay sự phát triển của các công ty Fintech ở trong nền kinh tế không có cơ cấu đồng đều mà chủ yếu là tập trung vào khu vực.
Như thế, từ lý luận và thực tiễn cho thấy, Fintech đã và đang phát triển với vị trí là một định chế tài chính quan trọng ở Việt Nam. Để cho Fintech có thể đóng góp một tỷ trọng lớn đến sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, việc khắc phục các hạn chế là cần thiết. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để cho Fintech có thể phát triển và hoạt động như một định chế tài chính quan trọng./.