ISSN-2815-5823

Fintech thay đổi bộ mặt bất động sản như thế nào?

(KDPT) - Fintech trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh và có nhiều tiềm năng lớn, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp do còn thiếu những quy định pháp lý rõ ràng để thị trường này phát triển bền vững.

Fintech thay đổi bộ mặt bất động sản

Ứng dụng công nghệ trong bất động sản đang ngày một phát triển và trở thành những công cụ hữu dụng ở trong mọi công đoạn, đặc biệt là khâu giao dịch mua bán. Những ứng dụng công nghệ mới không chỉ giúp chào mời khách hàng hiệu quả mà còn giúp lực lượng môi giới có thể kết nối và chăm sóc hậu mãi tốt hơn.

Trên làn sóng chuyển đổi số của lĩnh vực bất động sản, công nghệ Fintech đang “gõ cửa” và phát triển mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng lớn cũng như đem lại nhiều thuận lợi hơn khi áp dụng vào quá trình vận hành thị trường.

Công nghệ Fintech đang “gõ cửa” thị trường bất động sản.
Công nghệ Fintech đang “gõ cửa” thị trường bất động sản.

Các doanh nghiệp bất động sản đang "nhập" vào cuộc đua ứng dụng Fintech, một số chủ đầu tư bất động sản kết hợp các công ty Fintech để tạo hệ sinh thái cho các nhà đầu tư thông qua các ứng dụng đầu tư, thanh toán, chuyển tiền, blockchain... Nhờ vào kênh thông tin dữ liệu tốt có thể kết nối các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc với nhau, chia sẻ các thông tin từ xa.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, việc đưa Fintech vào thị trường bất động sản sẽ mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Khi các nền tảng công nghệ ứng dụng thanh toán trực tiếp sẽ giúp hoạt động mua bán trở nên dễ dàng hơn, giản lược khâu tiếp cận, chi phí môi giới, giao dịch gần như thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo mức độ an toàn cho người tham gia.

“Tốc độ giao dịch thông qua các ứng dụng này sẽ rất nhanh, tạo ra một hệ sinh thái xung quanh sản phẩm bất động sản. Nhiều chủ đầu tư đang tiên phong việc đưa Fintech vào bất động sản, xây dựng hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm và Fintech đóng vai trò quan trọng cho hệ sinh thái này”, ông Lực chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

Các chuyên gia tài chính đều nhận định rằng, Fintech sẽ là xu thế dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp bất động sản sẽ bắt buộc phải áp dụng công nghệ này nếu muốn tồn tại, từ đó tăng tính cạnh tranh, đột phá trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.

Trong lĩnh vực bất động sản, đất đai và tài chính là hai yếu tố hết sức quan trọng, nên việc tìm kiếm vốn, huy động vốn vay của các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản theo kênh truyền thống thường sẽ mất nhiều thời gian hơn cũng như tính minh bạch không được đảm bảo.

Fintech sẽ là xu thế dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.
Fintech sẽ là xu thế dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Do đó, nếu áp dụng Fintech vào thị trường bất động sản sẽ là giải pháp giúp các doanh nghiệp bất động sản gia tăng hiệu quả trong việc tìm kiếm nguồn vốn, tiết kiệm được thời gian, đặc biệt tăng tính công khai, minh bạch trên thị trường.

Tiềm năng phát triển Fintech trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là rất lớn, số lượng các công ty Fintech tham gia vào thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hết được khả năng của Fintech do còn gặp nhiều lực cản khác nhau.

Cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch

Mặc dù Fintech được ứng dụng trong bất động sản khá nhiều hình thức khác nhau và càng ngày đi sâu vào trong các hoạt động của thị trường bất động sản, nhưng các quy định pháp lý của lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế, chưa được chú trọng phát triển.

Hiện nay, các doanh nghiệp Fintech đang gặp phải nhiều bất cập về vấn đề pháp lý, dẫn đến việc bị “gián đoạn” cơ hội hợp tác, đầu tư cũng như phát triển quy mô tăng trưởng lớn hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh các công ty bất động sản đang thích ứng với các ứng dụng Fintech thì càng cần được thúc đẩy nhiều hơn.

Những quy định pháp lý của lĩnh vực Fintech vẫn còn rất hạn chế, chưa được chú trọng phát triển.
Những quy định pháp lý của lĩnh vực Fintech vẫn còn rất hạn chế, chưa được chú trọng phát triển.

Chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất dành cho các doanh nghiệp Fintech là rất cần thiết để phát triển. Ngoài ra, để các công ty bất động sản gia nhập thị trường Fintech nhiều hơn thì những quy định về công nghệ, vốn, quản lý rủi ro… là những điều hết sức cần thiết và nên bổ sung.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, công nghệ Fintech phát triển tại Việt Nam tương đối mạnh mẽ nhưng cách tiếp cận, cách hiểu và quản lý còn rất khác nhau. Những quy định pháp lý trong lĩnh vực Fintech còn chậm ban hành, nhiều lỗ hổng chồng chéo, do đó cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về Fintech.

“Cần sớm có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ các quyền lợi của các bên tham gia như chủ đầu tư, người tiêu dùng, doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Cùng với đó, những chính sách khuyến khích khách hàng tham gia mua bán các sản phẩm bất động sản, đầu tư qua hệ sinh thái Fintech bất động sản cũng cần được đẩy mạnh”, ông Lực nói.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về Fintech để các doanh nghiệp tăng cơ hội mở rộng quy mô phát triển.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về Fintech để các doanh nghiệp tăng cơ hội mở rộng quy mô phát triển.

Theo LS. Hoàng Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc mua bán bất động sản qua các ứng dụng công nghệ thanh toán mới còn nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư tham gia, nếu không có tìm hiểu kỹ lưỡng. Bởi lẽ, các cơ chế pháp lý bảo vệ nhà đầu tư khi xảy ra tranh chấp chưa được rõ ràng, chặt chẽ và khó giải quyết.

“Các tranh chấp về bất động sản công nghệ hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa có khung pháp lý hoàn thiện nên khi mâu thuẫn xảy ra, các cơ quan thẩm quyền còn lúng túng trong việc xử lý. Do đó, cần xây dựng hàng lang pháp lý cho các hoạt động Fintech, có hướng dẫn thi hành cụ thể, trách nhiệm ràng buộc, điều kiện phát triển tối đa cho những lợi ích mà nó mang lại”, ông Hà nói.

Thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã chủ động tiếp cận hơn đến những hoạt động Fintech và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính thông qua nhiều chương trình, đề án hỗ trợ và phát triển.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng cần lên kế hoạch chuẩn bị và tổ chức nguồn lực để đầu tư, ứng dụng Fintech bằng những công nghệ mới, tăng cường sự hợp tác với các doanh nghiệp Fintech để có những giải pháp vận hành và phát triển phù hợp./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024