ISSN-2815-5823
Cẩm Tú - Huyền Ngọc - Phí Hiền
Thứ năm, 11h46 20/06/2024

Giao lưu văn hóa đọc cùng bạn bè quốc tế tại các hiệu sách ngoại văn ở Việt Nam

(KDPT) - Khi du lịch đến Việt Nam, nhiều du khách nước ngoài không chỉ tìm đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn dành thời gian để ghé thăm các hiệu sách địa phương. Điều này cho thấy một sự khác biệt thú vị trong văn hóa đọc sách giữa Việt Nam và các quốc gia phương Tây.

Vậy tại sao họ vẫn dành thời gian để đến các hiệu sách trong chuyến đi?

Dù đi muôn nơi vẫn giữ gìn thói quen đọc sách

Một số du khách cho biết, ngay cả khi du lịch và chỉ ở lại một quốc gia trong vài ngày, họ vẫn dành thời gian ghé thăm các hiệu sách địa phương để tìm kiếm những cuốn sách mới (với ngôn ngữ gốc, thường là Tiếng Anh, người dân địa phương gọi là “sách ngoại văn”). Đọc sách không chỉ là một thói quen, mà còn là nơi để mỗi người có thể tìm lại sự bình yên giữa bộn bề của cuộc sống số, nơi con người giờ đây có thể kết nối với nhau chỉ qua một cú click.

Giao lưu văn hóa đọc cùng bạn bè quốc tế tại các hiệu sách ngoại văn ở Việt Nam - ảnh 1

“Ở Việt Nam hay kể cả nước tôi cũng vậy, mọi người ngày càng ít đọc sách, nhất là giới trẻ hiện nay. Họ thích sử dụng mạng xã hội và chơi game hơn, họ có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Nhưng tôi vẫn muốn duy trì thói quen đọc sách của mình và cho các con tôi, bởi việc tìm kiếm tri thức và học tập cho dù ở bất cứ thời điểm nào trên đường đời cũng cần phải được coi trọng. Vậy nên khi đến Việt Nam, tôi vẫn tranh thủ đưa con ghé qua các hiệu sách”, cô Heidi, một du khách người Canada chia sẻ.

Còn Hendnie, thay vì đến một quán cafe nổi tiếng để check-in, du khách người Đức đã cùng cô bạn thân của mình khám phá không gian ấm cúng và yên tĩnh tại một hiệu sách đồng thời phục vụ đồ uống ở Việt Nam.

“Tôi đã lên Google Maps với mong muốn tìm được một quán cafe sách và rất ấn tượng với nơi này, không gian cổ điển, nhỏ nhắn, mang đến cảm giác ấm áp và gần gũi vô cùng. Chúng tôi đã có khoảng thời gian trao đổi về sách và thưởng thức cafe đậm vị Việt Nam thật đáng nhớ”, Hendnie chia sẻ.

Văn hóa đọc gắn liền với truyền thông dân tộc

Không chỉ để duy trì thói quen đọc sách và đắm chìm trong không gian yên tĩnh, một số du khách đã tìm đến các hiệu sách ở địa phương như một phần trong quá trình khám phá sâu sắc văn hóa của dân tộc đó. Thông qua văn hóa đọc nơi đây, du khách mong muốn khám phá tư duy và quan điểm của người dân địa phương.

“Ở phương Tây nói chung, người dân quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, chính trị. Điều này phản ánh sự ưu tiên cho việc hiểu biết thế giới xung quanh, các vấn đề toàn cầu. Trong khi đó, người Việt Nam chuộng sách văn học hư cấu, tâm lý và phát triển bản thân, thể hiện xu hướng chú trọng đời sống tinh thần cá nhân”, anh Alex nói.

Giao lưu văn hóa đọc cùng bạn bè quốc tế tại các hiệu sách ngoại văn ở Việt Nam - ảnh 2

Nhìn nhận một cách sâu sắc qua hành trình du lịch khắp Châu Á, Michael (Pháp) chia sẻ: “Đó là sự khác biệt lớn nhất. Nếu như ở phương Tây chúng tôi, con người sinh ra có tất cả mọi thứ nhưng lại chẳng có gì để cho đi. Mỗi người đều là cá thể độc lập, riêng biệt. Trong khi tại Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, họ có thể được sinh ra với ít sự lựa chọn hay điều kiện vật chất hơn, nhưng lại có rất nhiều thứ để dành tặng cho nhau, chắc chắn phải kể đến sự gắn bó trong các mối quan hệ gia đình, hàng xóm… Việc đọc sách của người dân Việt Nam thể hiện rất rõ điều đó, họ ưu tiên các vấn đề đạo đức, tâm linh và tìm kiếm sự cân bằng, trấn an tâm hồn”.

Bạn trẻ Việt hào hứng giao lưu văn hóa đọc Đông - Tây

Nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng rất hào hứng khi được kết nối và giao lưu văn hóa đọc cùng bạn bè quốc tế tại các hiệu sách ngoại văn ở Việt Nam. Đây không chỉ cơ hội để trao đổi về những cuốn sách hay, những phong cách đọc độc đáo, mà còn là lúc tìm về với giá trị văn hóa đọc sách truyền thống của dân tộc.

“Trước đây, mình từng cho rằng đọc sách là một thói quen cũ kỹ, nhất là đối với giới trẻ chúng mình. Nhưng vô tình, hôm nay mình đã tìm đến quán cafe sách này và rất bất ngờ khi thấy bạn bè quốc tế trong chuyến du lịch chỉ vài ngày đến Việt Nam mà vẫn ghé qua đây để mua sách. Mình cũng đã thử “săn Tây”, trò chuyện với họ và nhận ra rằng, đọc sách vẫn còn rất quan trọng và có nhiều giá trị tích cực đến thế”, bạn Tuệ Quang chia sẻ.

Giao lưu văn hóa đọc cùng bạn bè quốc tế tại các hiệu sách ngoại văn ở Việt Nam - ảnh 3

“Mình thường xuyên đến các hiệu sách ngoại văn để tìm gặp du khách quốc tế và chia sẻ với họ về văn hóa đọc Đông - Tây. Nhiều người trong số họ rất tôn trọng và đánh giá cao văn hóa đọc của người Việt, điều này khiến mình thấy rất tự hào về di sản văn hóa đọc của dân tộc mình. Bên cạnh đó, mình cũng mong muốn có thể giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài", bạn Ánh Minh cho biết thêm.

Sau khi trò chuyện cùng Alex, bạn Ngọc Anh hào hứng chia sẻ: “Giao lưu với bạn bè quốc tế về văn hóa đọc, mình mới hiểu sự khác biệt giữa hai nền văn hóa thông qua việc so sánh về thể loại sách được ưa chuộng. Bản thân mình thường đọc các đầu sách về tâm lý, phát triển bản thân và tất nhiên ta không thể phủ nhận giá trị rất lớn của nó. Tuy nhiên, lời khuyên của Alex đã cho mình động lực rất lớn để mở rộng việc đọc các thể loại sách khác như lịch sử, chính trị, khoa học và văn học. Mình tin rằng những cuốn sách ấy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh và mở rộng kiến thức của mình”.

Những hiệu sách ngoại văn không chỉ là nơi cung cấp tri thức, mà còn là không gian để du khách quốc tế và chính các bạn trẻ Việt Nam tìm đến với mong muốn được giao lưu về văn hóa đọc xuyên quốc gia. Do đó, việc duy trì và phát triển văn hóa đọc sách không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 28/06/2024