Trọn đời với những dòng sử kinh tế

GS Đặng Phong sinh năm 1939 tại Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa lịch sử Đại học Hà Nội năm 1960, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân năm 1964, tốt nghiệp khóa đào tạo nâng cao Học viện Kinh tế Địa Trung Hải, Montpellier (Pháp) năm 1991.

Cố giáo sư là tác giả của nhiều công trình, đặc biệt ông đã dày công nghiên cứu về thời kỳ bao cấp, về chặng đường đầu của sự nghiệp đổi mới kinh tế ở Việt Nam, về tư duy kinh tế và những cuộc “phá rào” kinh tế trong khoảng thời gian 15 năm sau ngày thống nhất đất nước.

Những nghiên cứu của GS Đặng Phong được nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương đánh giá như sau: “Đối với giới nghiên cứu kinh tế, chỉ riêng việc chấp nhận một đối tượng nghiên cứu phức tạp và gai góc như vậy đã là điều đáng nể. Và không chỉ như vậy, với tác phong khoa học nghiêm túc, tác giả đã dày công đào bới đến ngọn nguồn của các sự kiện nhằm tái hiện lịch sử một cách trung thực nhất”.

Cuộc gặp gỡ của những người bạn thân thiết với cố GS Đặng Phong, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.

Là người bạn thân thiết với GS Đặng Phong, PGS. TS Trần Đình Thiên, cho biết, 10 năm cuối đời, GS Đặng Phong dành để viết sách với đề tài về phát triển kinh tế dưới thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là thời kỳ đổi mới. Đó là cuộc cách mạng về kinh tế triệt để, nhằm thay đổi phương thức phát triển của Việt Nam. Trước khi qua đời, ông vẫn còn ấp ủ một ước nguyện cùng với giới nghiên cứu kinh tế của Việt Nam, trong đó đặc biệt những người nghiên cứu lịch sử kinh tế, làm một bộ sách về lịch sử kinh tế và lịch sử tư tưởng kinh tế của Việt Nam. Dù công việc chỉ mới bắt đầu, nhưng ông cũng để lại những ý tưởng lớn lao, toàn bộ khung đề cương cho bộ sách này.

Trong công trình nghiên cứu của mình, GS Đặng Phong đã sưu tầm được khối tài liệu đồ sộ, đồng thời tiếp cận được với rất nhiều nhân vật từng giữ những cương vị cấp cao của Đảng và Chính phủ như: Nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Phương; Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Chính; Nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành; Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Trân; Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hoàng Tùng;…

GS Đặng Phong được ví như cuốn từ điển sống về kinh tế Việt Nam, ngoài sự nghiệp nghiên cứu lịch sử kinh tế của mình, GS Đặng Phong đã kinh qua nhiều công việc như: ủy viên Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Lịch sử kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Kinh tế Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

GS Đặng Phong còn là chuyên gia mời của Viện hàn lâm Khoa học Cuba (2007), Ngân hàng Desjardin, Montréale, Canada (1994), được mời thỉnh giảng nhiều trường đại học như: Đại học Aix en Provence (2007), Đại học Cambridge (2005), Đại học quốc gia Monterey Bay, California (1997)…; cộng tác viên của Trung tâm Khoa học quốc gia Pháp năm 1998, 1999; chủ tịch tiểu ban kinh tế tại EURO-Viet III, Amsterdam năm 1997.

Đau đáu tìm người kế thừa

Trong cuộc gặp gỡ giữa những người bạn của cố GS Đặng Phong, có sự góp mặt của con gái ông, chị Đặng Lê Chi, đã đem tới những câu chuyện ít ai biết đằng sau những tác phẩm thành công của cha mình. Chị kể: “Mẹ chị thường bán đi những vỏ lon sữa lỏng không đường mua trong cửa hàng Liên Xô, lấy tiền đó mua vải kaki, rượu sâm panh, sô cô la hiệu cô bé quàng khăn đỏ để bố đem vào miền Nam, bán đi để lấy tiền sinh hoạt trong thời gian viết cuốn Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam (xuất bản năm 1970)”.

Chị Đặng Lê Chi, con gái của cố GS Đặng Phong gửi lời cảm ơn tới từng vị khách trong buổi gặp gỡ đặc biệt này.

Có thể thấy, để có những công trình nghiên cứu về kinh tế của Việt Nam theo dòng lịch sử, GS Đặng Phong đã phải có thời gian “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” khi lựa chọn viết lịch sử về một lĩnh vực đặc biệt như kinh tế. Vượt lên trên gánh nặng của cơm, áo, gạo, tiền, vượt qua những định kiến, ông không ngần ngại tôn vinh tinh thần tìm tòi, sáng tạo của những cơ sở, những con người đã tìm được hướng đi đúng, những người dám “phá rào” kinh tế tại Việt Nam khi mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được hình thành ở Liên Xô và được áp dụng ở miền Bắc vào thập kỷ 60 trong tác phẩm Những mũi đột phá trong kinh tế thời trước Đổi mới (xuất bản năm 2009). Bởi theo ông, mỗi nhân vật lịch sử đều được nhìn nhận với sự cảm thông chính trị sâu sắc. Lịch sử như một dòng chảy, mỗi con người chỉ là một sinh linh nhỏ bé và khó có thể cưỡng lại được dòng chảy ấy. Trách nhiệm của người đi sau là phải có sự suy ngẫm kỹ để rút ra bài học cho tương lai.

Đến gần cuối đời, lâm bệnh nặng, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, phác thảo những tác phẩm mới, nhưng mong muốn cháy bỏng nhất của ông có lẽ là tìm người kế nghiệp mình. Trước di ảnh của GS Đăng Phong, con gái và những người bạn của ông lại xót xa khi chưa thể tìm thấy một “truyền nhân” cho ông. Sau khi ông mất đi, khối tài sản về kiến thức lịch sử Việt Nam mà ông dày công tìm hiểu, đi hàng chục tỉnh và thành phố, sục sạo rất nhiều cơ sở, phỏng vấn hàng trăm người từ khắp mọi miền đất nước được để lại cho thế hệ bạn đọc thời điểm đó và thế hệ mai sau.

Nhưng đã 10 năm từ ngày GS Đặng Phong về với cát bụi, Việt Nam hội nhập với thế giới ngày một nhanh hơn, nhiều hơn ở mọi lĩnh vực, những hiệp định kinh tế mới được ký kết, kinh tế Việt Nam có sự “thay da đổi thịt” thấy rõ từng ngày, khiến người ta đặt ra câu hỏi ai sẽ là người ghi lại những dấu mốc vẻ vang đó của đất nước khi chúng ta đã không còn GS Đặng Phong nữa.

Mặc dù trong thời gian làm Chủ nhiệm khoa Kinh tế Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đã có không ít sinh viên được GS Đặng Phong đào tạo và đánh giá cao, nhưng chưa có một người nào vừa tôn trọng sự thật của lịch sử vừa có những am hiểu về nền kinh tế đặc biệt như Việt Nam.

Vậy là một nhà viết lịch sử kinh tế Việt Nam đã ra đi và không biết đến bao giờ mới có người lấp khoảng trống này. Một thập kỷ trôi qua, các giá trị mà GS Đặng Phong để lại cho chúng ta còn mãi, những thành tựu hay sai lầm của thế hệ người làm kinh tế trong thời đại trước được hiện lên chân thực và rõ nét. Kinh tế là một bánh xe chạy không ngừng nghỉ, nhưng dấu vết của nó sẽ còn tồn tại mãi với thời gian, lịch sử kinh tế sẽ được viết lại. Khi đó chúng ra sẽ lại có một Đặng Phong thứ hai, thứ ba, lịch sử kinh tế Việt Nam không chỉ là những chỉ số phát triển mà còn là những sự kiện và nhân vật làm nên thành công đó.

BÍCH NGA