Lựa chọn sản phẩm du lịch - nông nghiệp dưới góc nhìn bền vững
Dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính, nghiên cứu tập trung đánh giá các sản phẩm du lịch - nông nghiệp đối với điểm đến du lịch. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế sản phẩm du lịch - nông nghiệp bền vững tại các điểm đến.
1. Giới thiệu
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc “Đổi mới” chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các hoạt động kinh doanh có nhiều tiến triển tốt, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm tương đối tích cực đã tạo nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh. Việt Nam đã trở thành thành viên của ASEAN và sau đó là khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào những năm 90 của thế kỷ 20. Nước ta cũng đã tham gia nhiều diễn đàn lớn như: Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… và đến năm 2006 đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã và đang mở ra nhiều cơ hội, cũng như nhiều thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, vấn đề phát triển kinh tế cần phải đảm bảo mang tính bền vững, thiết thực và hiệu quả đối với tất cả các ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành kinh tế du lịch. Bài viết đề xuất cơ sở cho việc lựa chọn sản phẩm du lịch - nông nghiệp đối với điểm đến du lịch dưới góc nhìn bền vững, cụ thể như sau: (1) Định hướng phát triển sản phẩm du lịch (loại hình du lịch - nông nghiệp); (2) Hoạt động đầu tư hạ tầng du lịch - nông nghiệp và cơ sở kinh doanh; và (3) Hoạt động hậu cần - cung ứng sản phẩm (phục vụ du lịch - nông nghiệp).
Kết hợp du lịch với ngành nông nghiệp là một xu hướng có nhiều tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
2. Du lịch nông nghiệp với sự phát triển bền vững và sự thiết kế sản phẩm này
2.1. Du lịch nông nghiệp và sự phát triển bền vững
Hoạt động thăm quan du lịch là một hiện tượng phổ biến và đem lại lợi ích cho nhiều đối tượng liên quan. Có thể nói, du lịch là hoạt động của con người rời khỏi nơi cư trú hàng ngày của mình, hoạt động này chịu sự tác động của nhiều yếu tố kinh tế - chính trị, văn hóa và xã hội. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization), du lịch là hoạt động của một cá nhân có mục đích viếng thăm một điểm đến nào đó bên ngoài khác hẳn nơi ở thường xuyên; và loại trừ mục đích chính là kiếm tiền. Nhìn chung, việc có nhiều khái niệm về du lịch là do cách tiếp cận với những mục đích khác nhau. Lieper (1979) bổ sung thêm thời gian đi du lịch có thể là một hoặc nhiều đêm và hoạt động này không nhằm mục đích kiếm tiền. Luật Du lịch (2017) của Việt Nam cũng có cách tiếp cận tương tự. Có thể thấy, du lịch là một nhu cầu có thật và chính đáng của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội của mọi quốc gia.
Tùy thuộc tiêu chí đặt ra, hoạt động du lịch có thể được phân loại theo các nhóm khác nhau, phổ biến hiện nay có thể gồm: (1) Phân loại theo lãnh thổ (du lịch quốc tế và nội địa); (2) Phân loại theo vị trí địa lý; (3) Phân loại theo mục đích của chuyến đi; và (4) Một số loại hình du lịch khác (Căn cứ theo phương tiện giao thông có các loại hình du lịch như: Du lịch xe đạp, du lịch ô tô, du lịch bằng tàu hoả, du lịch bằng tàu thủy, du lịch máy bay. Nếu căn cứ theo độ dài chuyến đi, có các loại hình: Du lịch ngắn ngày, du lịch dài ngày; hoặc, nếu căn cứ theo hình thức tổ chức, thì có: du lịch tập thể, du lịch cá nhân, du lịch gia đình. Và nếu căn cứ theo phương thức hợp đồng, ta cũng có: Du lịch trọn gói, du lịch từng phần…).
Du lịch là một ngành công nghiệp mang nhiều yếu tố tổng hợp, với sự tham gia của nhiều thành phần: Phân phối, giao thông vận tải, cơ sở du lịch (nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi…) và các dịch vụ hỗ trợ khác. Thách thức đối với các nhà hoạch định và quản lý du lịch trong cả hai khu vực tư nhân và chính phủ là đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, học hỏi và vui chơi của du khách, đồng thời cân bằng được nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa bản địa. Ngành du lịch khi được nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và quản lý tốt cũng sẽ mang lại những lợi ích khác (ngoài lợi ích kinh tế), như: Duy trì truyền thống dân tộc, giữ gìn môi trường và đóng góp cho các nỗ lực hòa bình trong khu vực.
Một sản phẩm được định nghĩa là bất kỳ thứ gì có thể được cung cấp cho thị trường nhằm thu hút sự chú ý, mua sử dụng hoặc tiêu thụ (Kotler, 1984). Tương tự, sản phẩm du lịch cũng có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Medlik và Middleton (1973) xác định sản phẩm du lịch như là một nhóm các hoạt động, dịch vụ và lợi ích tạo nên một trải nghiệm du lịch. Đối với các điểm đến du lịch, thông thường điểm đến, bao gồm các yếu tố cơ bản: Điểm tham quan; Cách tiếp cận (phương tiện vận tải, bến bãi); Tiện nghi (ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, bán lẻ và dịch vụ khác).
Có thể nói sự kết hợp của việc khai thác các yếu tố tự nhiên, xã hội với việc sử dụng các nguồn lực (nhân lực, phương tiện, kỹ năng) tại một tổ chức, doanh nghiệp để cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ cho người đi du lịch thì có thể xem đó là sản phẩm du lịch. Do đó, điểm đến du lịch vừa được xem là một tập hợp các nguồn lực (tự nhiên, văn hóa, nghệ thuật…) vừa được xem là một sản phẩm tổng thể hấp dẫn (hoặc phức tạp) nhằm mang đến sự thoải mái, mới lạ cho kỳ nghỉ của du khách (Cracolici và Nijkamp, 2008).
Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch để phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy tài nguyên của loại hình du lịch này là tất cả những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thuật ngữ du lịch kết hợp với nông nghiệp đã được một số học giả gọi là “du lịch nông trại” hay “du lịch liên kết nông nghiệp”. Davis và Gilbert (1992) xác định du lịch trang trại là “hoạt động du lịch tại các trang trại, ít nhất là bán nông sản đến du khách”. Bowler, Clark, Crockett và Shaw (1998) đã nghiên cứu 4 loại du lịch trang trại được xác định là “tự phục vụ, cắm trại, đi bộ xuyên rừng/ ngựa, và thể thao/giải trí”. Các nhà nghiên cứu cho rằng liên kết du lịch - nông nghiệp làm tăng sự đa dạng hóa kinh tế cho nông dân nông thôn bằng cách tạo ra thu nhập bổ sung, ngoài sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, liên kết du lịch - nông nghiệp sẽ giảm thiểu sự di cư ở khu vực nông thôn ra thành thị: Hỗ trợ dịch vụ địa phương (Bowler, Clark, Crockett, và Shaw, 1998) và giúp duy trì cảnh quan trang trại hay “làm đẹp cộng đồng” (Scheneider, 1993). Về tổng thể, các sản phẩm du lịch thực hiện chức năng cho phép mọi người đi du lịch và tham gia vào các hoạt động bên ngoài môi trường sống thông thường của họ. Du lịch có thể được chia thành các sản phẩm du lịch chính để thu hút và thúc đẩy du khách đến thăm điểm đến, và các sản phẩm du lịch thứ cấp ít có khả năng thu hút cụ thể, như: Lưu trú hoặc ăn uống...
Sản phẩm du lịch phải được xây dựng phù hợp với môi trường, cộng đồng, và các nền văn hóa. (Ảnh minh họa) |
Yêu cầu quan trọng đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của quốc gia. Khái niệm phổ biến nhất đối với phát triển bền vững đó là nhằm thỏa mãn các yêu cầu hiện tại nhưng không tổn hại đến các thế hệ tương lai nhằm đáp ứng mục tiêu của sự phát triển. Theo LJ Lickorish và cộng sự (1991), phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, cụ thể là: Phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Có thể nói, phát triển du lịch bền vững là hoạt động du lịch giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương và các chủ thể liên quan khác, đặc biệt là có khả năng thực hiện lâu dài mà không ảnh hưởng xấu đến tương lai.
Từ góc độ phát triển bền vững, sản phẩm du lịch phải được xây dựng phù hợp với môi trường, cộng đồng, và các nền văn hóa theo cách để cung cấp những lợi ích nhất định chứ không phải là mối đe dọa đối với phát triển du lịch. Về vấn đề này, Eckert và Pechlaner (2019) cũng có đề xuất chiến lược phát triển sản phẩm vượt ra khỏi các phương pháp tiếp cận dựa trên nguồn lực truyền thống bằng cách kết hợp các giá trị cụ thể của điểm đến và năng lực cốt lõi để đạt được sự bền vững tại điểm đến du lịch.
2.2. Thiết kế sản phẩm bền vững
Các khái niệm thiết kế cho các sản phẩm bền vững về cơ bản đã mở rộng phạm vi và tiêu điểm theo thời gian. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng quan điểm của Ceschin và cộng sự (2016) về quan điểm thiết kế vì sự bền vững, được phân loại theo 4 cấp độ đổi mới khác nhau:
(i) Mức độ đổi mới sản phẩm: Cách tiếp cận thiết kế tập trung vào việc cải thiện hoặc phát triển các sản phẩm hoàn toàn mới;
(ii) Mức độ đổi mới của hệ thống sản phẩm - dịch vụ: Trọng tâm vượt ra ngoài phạm vi cá nhân sản phẩm, hướng tới sự kết hợp giữa các sản phẩm và dịch vụ, chẳng hạn như: Phát triển các mô hình kinh doanh mới;
(iii) Mức độ đổi mới về không gian - xã hội: Ở đây bối cảnh đổi mới là ở con người tại khu dân cư và các điều kiện không gian - xã hội của các cộng đồng của họ, được giải quyết trên các quy mô khác nhau, từ vùng lân cận đến thành phố;
(iv) Mức độ đổi mới hệ thống kỹ thuật - xã hội: Ở đây các phương pháp thiết kế tập trung vào việc thúc đẩy những thay đổi căn bản về nhu cầu của xã hội, chẳng hạn như: Dinh dưỡng và vận chuyển/di chuyển, do đó hỗ trợ chuyển đổi sang các hệ thống kỹ thuật xã hội mới (Hình).
Hình: Sự phát triển của thiết kế vì sự bền vững
Nguồn: Ceschin và cộng sự (2016) |
Một số nhà nghiên cứu ủng hộ liên kết nông nghiệp - du lịch, như: Belisle (1984); Cox, Fox và Bowen (1994); Telfer (1996); Telfer và Wall (2000); Torres (2000); Nickerson và McCool (2001); Torres và Momsen (2004) vì du lịch - nông nghiệp giúp tạo ra các liên kết về phát triển kinh tế. Lợi ích quan trọng nhất là: Giảm yếu kém kinh tế, tạo thị trường lương thực thực phẩm cho địa phương và các hoạt động tạo thu nhập cho nông dân địa phương. Mối liên hệ giữa nông nghiệp và du lịch hứa hẹn đa dạng hóa nông nghiệp ở nông thôn của nền kinh tế (Torres, R; 2003). Do đó, thiết kế sản phẩm du lịch - nông nghiệp bền vững có nhiều ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch nói chung. Nghiên cứu của Haid và cộng sự (2021) đã đề xuất một khuôn khổ cho sản phẩm du lịch bền vững trên cơ sở đã điều chỉnh “khung thiết kế bền vững” hiện có để xác định các thành phần bền vững đối với một điểm đến (Bảng).
3. Lựa chọn sản phẩm du lịch - nông nghiệp dưới góc nhìn bền vững
Xét về bản chất hoạt động kinh doanh, có thể thấy rằng du lịch - nông nghiệp là nền tảng của du lịch nông thôn. Hoạt động du lịch nông thôn mang tính tổng quát hơn, nghĩa là hoạt động du lịch này sử dụng tài nguyên cả vùng nông thôn tại địa phương đó để phục vụ cho du lịch. Còn trong hoạt động du lịch - nông nghiệp, là một không gian, cụ thể như: Một hộ gia đình, một trang trại, một hợp tác xã hay là một doanh nghiệp nông nghiệp… Do đó, chủ thể chính và chủ yếu tham gia tổ chức du lịch - nông nghiệp có thể là chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp mà nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điều này chứng tỏ chủ thể nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh để tạo thêm thu nhập ngoài sản phẩm nông nghiệp, đó là nguồn thu từ hoạt động du lịch. Qua nghiên cứu định tính, chúng tôi xin được tổng hợp lại kết quả nghiên cứu của Haid và cộng sự (2021) và vận dụng kết quả này phân tích trường hợp du lịch - nông nghiệp, trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp để lựa chọn sản phẩm du lịch - nông nghiệp dưới góc nhìn bền vững, cụ thể như sau:
3.1. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch - nông nghiệp
Hoạt động du lịch có tính hướng về không gian, người đi du lịch rời khỏi nơi cư trú hàng ngày để đến một địa điểm mới lạ để trải nghiệm hoặc nghỉ dưỡng. Như vậy, bất kỳ một địa điểm nào cũng có thể có được sức hút đối với du khách đến thăm quan, trải nghiệm vì đó là nơi mới lạ đối với họ. Trong loại hình du lịch - nông nghiệp, có rất nhiều mô hình có thể tạo ra được sự khác biệt giữa các vùng, chẳng hạn: Vùng chuyên về nuôi cua, vùng chuyên nuôi tôm, nuôi cá (cá cũng có thể nhiều loại khác nhau), vùng chuyên trồng lúa, vùng cây ăn trái, vùng chăn nuôi, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng có tài nguyên thiên nhiên đẹp, vùng sản xuất thủ công, vùng có truyền thống…, mà đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Định hướng sản xuất nông nghiệp địa phương không phù hợp hoặc sản phẩm nông nghiệp kém chất lượng, giá trị sản phẩm thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề liên kết du lịch. Điều này có thể là do sản xuất quy mô nhỏ, lẻ dẫn đến không có khả năng phục vụ hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp.
Chính sách đặc thù cho nông nghiệp cũng rất quan trọng. Chương trình hỗ trợ trong việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ tiếp cận vốn, nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư hạ tầng và đào tạo nhân lực. Phát triển nông nghiệp phải được tích hợp trong tổng thể quy hoạch phát triển du lịch.
3.2. Hoạt động đầu tư hạ tầng du lịch - nông nghiệp và cơ sở kinh doanh
Địa phương cần đầu tư có hiệu quả và đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ tại các điểm đến du lịch. Các yếu tố tự nhiên, xã hội và giao thông rất quan trọng đối với phát triển mọi loại hình du lịch, trong đó có du lịch - nông nghiệp. Chỉ có nhiều điều kiện thuận lợi thì du khách mới có thể và mong muốn tiếp cận điểm đến mà họ quan tâm. Mặt khác, về phía đơn vị kinh doanh tại các khu vực này, chưa đầu tư được các cơ sở vật chất phục vụ du lịch tối thiểu như: Ăn uống, vận chuyển, nơi thăm quan trải nghiệm trong sản xuất nông nghiệp (ví dụ như: Quy trình sản xuất nông nghiệp, nhà vườn…) hoặc, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là một yếu tố ngăn cản sự liên kết với du lịch. Chẳng hạn, các nông hộ sản xuất không đủ nhu cầu cho khách hoặc đối tác. Điều này có thể là do đất sản xuất, điều kiện môi trường hạn chế, công nghệ không phù hợp, hỗ trợ kỹ thuật chưa đầy đủ, cách tiếp cận thị trường không đúng...
3.3. Hoạt động cung ứng sản phẩm phục vụ du lịch - nông nghiệp
Đối với vấn đề điểm đến du lịch - nông nghiệp, cần xác định được chủ đề trọng tâm của loại hình du lịch này, đó là phải có sản phẩm của địa phương, phải thu hút được người dân, doanh nghiệp địa phương tham gia (vai trò kinh tế tư nhân địa phương).
Phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tính liên kết chặt chẽ với loại hình du lịch khác. Đề cao vai trò của các chủ thể liên quan trong hoạt động du lịch: Lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan, cơ sở kinh doanh, người dân... Phần lớn sản phẩm nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu thăm quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh công tác xúc tiến cần phải hiệu quả. Một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhu cầu đối với sản phẩm địa phương là quảng cáo các loại thực phẩm trong vùng. Công tác quản lý của các cơ quan nhà nước phải phối hợp tốt. Chẳng hạn, địa phương thì khuyến khích phát triển du lịch, nhưng lại không tạo điều kiện về bãi đậu xe gây khó khăn cho việc di chuyển du khách và cơ sở phục vụ du lịch...
Tuyên truyền các cơ sở nông nghiệp, mà cụ thể là người nông dân cần quan tâm khai thác nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương, có ý thức bảo vệ cảnh quan và môi trường sống của mình, để thông qua việc phục vụ du lịch trong nông nghiệp cũng sẽ tạo nên thu nhập từ du lịch, bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp.
4. Kết luận
Du lịch vừa góp phần phát triển, cũng vừa gây áp lực mạnh mẽ lên hệ sinh thái và cộng đồng tại các điểm đến du lịch. Tầm quan trọng của tính bền vững kinh tế và phát triển du lịch bền vững vẫn đang là chủ đề của các cuộc tranh luận trong thực tiễn. Du lịch bền vững về bản chất là phát triển với quan điểm bảo vệ môi trường, bảo tồn (các) văn hóa và thúc đẩy công bằng xã hội, đồng thời mang lại cơ hội phát triển kinh tế có trách nhiệm, tăng việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển cơ sở hạ tầng địa phương. Do đó, cần tăng cường liên kết hoạt động du lịch và nông nghiệp mang tính bền vững, nhằm phát triển hoạt động du lịch nói riêng cũng như kinh tế địa phương nói chung.
Tài liệu tham khảo 1. Ceschin, F., Gaziulusoy, I. (2016), Evolution of design for sustainability: From product design to design for system innovations and transitions, Design studies, 47, 118-163. 2. Torres, R. (2003), Linkages between tourism and agriculture in Mexico, Annals of Tourism Research, 30(3), 546-566. 3. Van Raaij, W. F. (1986), Consumer research on tourism mental and behavioral constructs, Annals of Tourism Research, 13(1), 1-9. 4. Cracolici, M. F., Nijkamp, P., Rietveld, P. (2008), Assessment of tourism competitiveness by analysing destination efficiency, Tourism economics, 14 (2), 325-342. 5. Eckert, C., Pechlaner, H. (2019), Alternative product development as strategy towards sustainability in tourism: The case of Lanzarote, Sustainability, 11(13), 3588. 6. Haid, M., Albrecht, J. N. (2021), Sustainable tourism product development: An application of product design concepts, Sustainability, 13(14), 7957. 7. Kotler, P., McDougall, G. H. (1984), Marketing essentials (Vol. 556), Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall. 8. Leiper, N. (1979), The framework of tourism: Towards a definition of tourism, tourist, and the tourist industry, Annals of tourism research, 6(4), 390-407. 9. Lickorish, L. J., Jefferson, A., Bodlender, J., Jenkins, C. L. (1991), Developing tourism destinations: policies and perspectives, Longman Group UK Limited. 10. Medlik, S., and Middleton, V. T. (1973), Product formulation in tourism, Tourism and marketing, 13(1), 138-154. 11. Nickerson, N. P., Black. R.J., and McCool, S. F. (2001), AgricultureTourism linkages: Motivations behind Farm/ Ranch Business Diversification, Journal of Travel Research, 40, 19-26. |
TS. ĐOÀN TUẤN PHONG
Trường Cao đẳng cộng đồng Cà Mau
PGS.TS. BÙI VĂN TRỊNH
Trường Đại học Cửu Long
(Bài viết đã được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia: Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam tháng 11/2023)