ISSN-2815-5823
Thúy Khang
Thứ bảy, 09h22 06/04/2024

Tác hại của đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng

(KDPT) - Ngày 5/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với sức khoẻ người dân, điều tiết và hạn chế sử dụng các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có đường quá mức.

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo Tiến sỹ Angela Pratt, để xây dựng Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn, cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Bằng chứng toàn cầu cho thấy rằng, đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. Chúng cũng góp phần là nguyên nhân của bệnh thừa cân và béo phì. Tất cả những điều này là những vấn đề sức khỏe quan trọng, cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư.

Đồ uống có chứa đường tự do có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Tác hại của đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng - ảnh 2

Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.

"Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Chính vì vậy, chúng ta cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này" - Tiến sỹ Angela Pratt nhấn mạnh.

Theo khuyến nghị của WHO, để có thể giảm mức tiêu thụ đường và chặn đứng mức gia tăng đại dịch béo phì và đái tháo đường, các quốc gia cần thực hiện kết hợp 3 nhóm giải pháp gồm: Áp thuế với đồ uống có đường; Hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em và truyền thông về tác hại của việc sử dụng đồ uống có đường không hợp lý.

Tác hại của đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng - ảnh 3

Nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế đối với sức khỏe con người, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải cho biết, ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao sức khỏe, giảm hành vi gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Kế hoạch nhấn mạnh vai trò của một số chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông đã có quyết định ban hành kế hoạch cung cấp thông tin báo chí về đồ uống có đường và vai trò kiểm soát chính sách thuế năm 2024. Việc sử dụng không hợp lý các sản phẩm này là nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng tỷ lệ đái tháo đường, tăng huyết áp, biến chứng bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Hội thảo cập nhật những thông tin, kiến thức mới liên quan đến tác hại của đồ uống có đường, hệ lụy đối với sức khỏe và biện pháp kiểm soát tiêu dùng đối với sản phẩm này. Từ đó, sẽ giúp nâng cao hiểu biết, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng đồ uống có đường, giúp phòng, chống các nguy cơ và dự phỏng mắc bệnh không lây nhiễm./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024