ISSN-2815-5823
NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC
Thứ hai, 06h00 19/02/2024

“Đào tạo con người là vấn đề chiến lược”

(KDPT) - Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 01/8/1969 khi làm việc với Thứ trưởng Bộ Văn hoá Hà Huy Giáp về việc xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt”.

Lời căn dặn: “Đào tạo con người là vấn đề chiến lược” của Bác Hồ từ ngày đó cho đến nay, trải qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị; nhất là ở thời kỳ hiện nay khi chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo, xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn - kiến tạo tương lai bền vững thì vai trò con người, người tài vẫn được coi trọng.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi trọng và sử dụng nhiều người tài. (Ảnh tư liệu)

Càng ngày ta càng hay nhắc đến câu nói của người xưa ghi tạc trên một trong những tấm bia đặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia...”, coi đó như một nguyên lý bất hủ về nhân tố đã giúp dân tộc ta trường tồn trên con đường dựng nước và giữ nước.

Có lẽ vì thế, khi nói đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hiền tài, ta cũng luôn nhắc đến những tên tuổi lớn, từ phó bảng Huỳnh Thúc Kháng - đồng khoa với thân sinh của Bác, đến khâm sai đại thần Phan Kế Toại hay thượng thư Bộ Hình của chế độ cũ Bùi Bằng Đoàn. Cũng như việc mời được những nhà trí thức lớn đang ở bên Pháp về nước như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước... hoặc vời được các bậc nhân sĩ trí thức như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Mạnh Hà... tham gia Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập...

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Đúng là lịch sử dân tộc Việt Nam cho đến nay, chưa bao giờ tập hợp được một khối đại đoàn kết đông đảo như trong cuộc vận động cứu nước và xây dựng nhà nước độc lập đầu tiên, cách đây gần tám chục năm. Nhưng cũng phải nói rằng, đội ngũ những nhân sĩ, trí thức sẵn sàng cộng sự với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà nước cách mạng hồi ấy là những người được đào tạo và nhiều người vốn là công chức hay quan chức của chế độ cũ.

Đội ngũ ấy vừa bị phân hoá, vừa trưởng thành đóng góp to lớn vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc rồi tiếp đó là cuộc cách mạng xã hội và chính trị ngày một phức tạp đòi hỏi sự thay thế về thế hệ. Việc xây dựng và sử dụng nguồn lực lâu dài cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc còn đòi hỏi phải sớm có một nền giáo dục quốc gia đào tạo nhân tài.

Càng ngày ta càng hay nhắc đến câu nói của người xưa ghi tạc trên một trong những tấm bia đặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia...”, coi đó như một nguyên lý bất hủ về nhân tố đã giúp dân tộc ta trường tồn trên con đường dựng nước và giữ nước.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời cách mạng (03/9/1945), vị Chủ tịch nước đã đưa ra nguyên lý: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Và để thực hiện nguyên lý ấy, Bác không chỉ quan tâm đến việc nhanh chóng khai giảng năm học đầu tiên trên cơ sở hệ thống giáo dục của chế độ cũ để lại trong đó có cả trường đại học, mà còn quan tâm đến cả việc nâng cao mặt bằng dân trí của toàn dân bằng những cuộc vận động xóa nạn mù chữ, hay gây dựng cuộc “bình dân học vụ” để dựa vào sức dân mà gây dựng nhân tài.

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - một hình thức tôn vinh người đỗ đạt trong lịch sử nước ta. (Ảnh tư liệu)

Ngày 20/9/1945, trong cuộc tiếp đại diện lực lượng bảo an binh của chế độ cũ tình nguyện ủng hộ Chính phủ cách mạng, Bác khẳng định: “Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ quốc”.

Chắc chắn quan niệm về nhân tài của Bác không chỉ giới hạn ở những nhân sĩ, trí thức tài cao học rộng mà xuất phát từ quan điểm “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” (Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, 17/9/1945).

Do vậy, việc làm sao phát hiện và bồi dưỡng những năng lực tiềm ẩn trong dân phục vụ sự nghiệp chung là mối quan tâm hàng đầu bên cạnh đội ngũ những năng lực trí tuệ được đào tạo trong chế độ cũ, tụ nghĩa dưới ngọn cờ yêu nước và uy tín của người đứng đầu Nhà nước cách mạng.

Lời hịch “Chống nạn thất học” ký tên “Chủ tịch Chính phủ lâm thời” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 04/10/1945 nói rõ hơn quan điểm đó: “Nay chúng ta giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí... Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết...”.

Quan niệm của Bác về nhân tài không chỉ là việc đào tạo ở nhà trường hay tuyển chọn qua thi cử, bằng cấp mà phải tìm trong dân gian những nhân tố để kích thích năng lực mọi người cống hiến cho xã hội cũng như cho sự nghiệp chung.

Tiếp đó, trong thông điệp “Kiến thiết thì phải có nhân tài”, Bác nêu rõ: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài phát triển ngày càng thêm nhiều...” (14/11/1945) và kêu gọi mọi người dân hãy phát hiện và nêu ra những sáng kiến gửi cho Chính phủ để thực hiện.

Như vậy, quan niệm của Bác về nhân tài không chỉ là việc đào tạo ở nhà trường hay tuyển chọn qua thi cử, bằng cấp mà phải tìm trong dân gian những nhân tố để kích thích năng lực mọi người cống hiến cho xã hội cũng như cho sự nghiệp chung.

Quan điểm ấy còn được trình bày rõ hơn khi vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập thăm nước Pháp, khi đến gặp gỡ 3.000 “lính thợ” Việt Nam ở thành phố Marseille: “Kiều bào hãy cố gắng học lấy một nghề tinh xảo để giúp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề tinh xảo”. Còn khi chỉ đạo bộ máy hành pháp ở trong nước, Bác phân tích: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Việc dùng nhân tài ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ. Cán bộ làm việc chăm chỉ chưa đủ, cần phải làm việc có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”. (“Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”, Cứu Quốc 04/10/1945).

Khai thác các nguồn lực, chính là nhân tài trong dân còn được Bác đề cập đến nhiều lần. Trong sách “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản vào tháng 10/1947 trên Chiến khu Việt Bắc, khi khẳng định: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”, tác giả phân tích: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa các lãnh đạo... Chúng ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to viêc nhỏ, hễ thêm điều lợi trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết khó khăn, tăng kết quả làm việc, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến... Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo )

Trong công cuộc xây dựng đất nước, thông qua cuộc vận động thi đua yêu nước mà Bác khởi xướng, quan niệm nhân tài của Bác được thể hiện rõ hơn chính là phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Lần Bác mời giáo sư toán học Hoàng Tụy đến trao đổi phương cách giải quyết tình trạng người dân xếp hàng “rồng rắn” để mua hàng, khi nghe giáo sư nói về việc ứng dụng “vận trù học”, vị Chủ tịch nước nói với khách của mình: “Nên tìm chữ gì dễ hiểu hơn, chữ “vận trù học” thì Chủ tịch nước cũng không hiểu nổi. “Vận trù” là câu của Trương Lương: “Vận trù ư duy ác chi trung, quyết thắng ư tiên lý chi ngại”. Vận trù cũng là tham mưu. Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm “vận trù” cũng khá là nhờ cái này...”. Kể đến đoạn này giáo sư Hoàng Tụy viết: “Rồi Người chỉ vào trái tim mình”.

Như vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân tài chính là nguồn lực con người của một xã hội, một dân tộc, đương nhiên trong cộng đồng ấy sẽ có một số gương mặt nổi trội, nhân tài xuất chúng. Nếu nhớ đến câu chuyện Bác gặp triết gia Trần Đức Thảo ở Paris thì càng rõ quan điểm về việc sử dụng nhân tài của Hồ Chí Minh. Sáng 25/6/1946, gặp Trần Đức Thảo đang đến thăm phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau, Bác thông báo rằng, sớm muôn thì chiến tranh cũng sẽ nổ ra, lúc này “các chú” Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân phải về nước chế tạo vũ khí, Trần Hữu Tước chế tạo thuốc... còn với triết gia Trần Đức Thảo thì Bác nói một cách dí dỏm rằng: “Chú về lúc này sẽ không có đất cắm dùi đâu”.

Điều đáng nói là với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đào tạo cũng như sử dụng con người có hiệu quả để phát huy tất cả những năng lực của mỗi người tựa như cách nói của người xưa “dụng nhân như dụng mộc”, đó chính là nền tảng của sức mạnh quần chúng đựơc huy động vào những sự nghiệp chung của đất nước.

Với Bác, nhân tài chính là vấn đề biết sử dụng, đào tạo con người. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị (30/7/1963) khi kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước, Bác khẳng định: “Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng rất cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người...”. Và trước khi qua đời không lâu, ngày 01/8/1969, khi làm việc với Thứ trưởng Bộ Văn Hoá Hà Huy Giáp về việc xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt, Bác lại căn dặn: “Đào tạo con người là vấn đề chiến lược”.

Cần nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Điều đáng nói là với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đào tạo cũng như sử dụng con người có hiệu quả để phát huy tất cả những năng lực của mỗi người tựa như cách nói của người xưa “dụng nhân như dụng mộc”, đó chính là nền tảng của sức mạnh quần chúng đựơc huy động vào những sự nghiệp chung của đất nước.

Đó cũng là cơ sở để tạo nên những hệ thống giá trị cũng như những chính sách để huy động được nhân tài đất nước, điều đáng tiếc là nó chưa đi vào đời sống hiện tại, giữa lúc người ta đang đắm mình trong những giá trị ảo của bằng cấp, thành tích và sự lãng phí các nguồn nhân lực tiềm tàng của dân tộc, nhất là của giới trẻ./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024