ISSN-2815-5823

Gieo ánh sáng mùa xuân cho những thiên thần khiếm thị

(KDPT) – Gần hai thập kỷ qua, nữ nhà báo Trương Song Hiền đã âm thầm thực hiện công việc với mong muốn sẻ chia yêu thương, mang lại kiến thức, mở ra thiên đường cho những mảnh đời khiếm khuyết ở cuộc đời này – đó là những người khiếm thị. Nhà báo Trương Song Hiền – Biên tập viên kênh truyền hình Quốc hội với công việc hàng tuần đọc những mẩu chuyện, những trang sách hay, những bài văn mượt mà cho trẻ em khiếm thị để các em như thấy được ánh sáng của cuộc đời này và nhận cảm được sự yêu thương sẻ chia của cộng đồng, mở ra những ánh sáng tươi đẹp của cuộc sống đến với các em để các em yêu cuộc sống này hơn, yêu con người này hơn, sống có ích hơn.

Nhà báo Trương Song Hiền.

Vốn là một học sinh giỏi văn, yêu văn, Trương Song Hiền luôn đau đáu với từng bài viết, từng cuốn sách mà ở đó con người đến với nhau như yêu thương nhau hơn, nồng nàn sức sống hơn. Bởi vậy khi thực hiện “sứ mệnh” được đọc với giọng văn đầy truyền cảm, Trương Song Hiền đã mang đến cho các em “ánh sáng” mới với niềm yêu thương mãnh liệt. Bộc bạch về hành trình được đến với các em và truyền lửa cảm hứng cho các em trong suốt một thập kỷ qua, nhà báo Trương Song Hiền chia sẻ: Mỗi khi ngồi trong studio để đọc sách nói cho trẻ khiếm thị, tôi luôn thấy tràn ngập hạnh phúc, hơn bất cứ thực hiện công việc nào, tôi trau chuốt từng câu, từng chữ để âm thanh được tốt nhất, cảm xúc nhất. Bởi tôi luôn hình dung những khuôn mặt của các em khiếm thị hay cả những người khiếm thị đã trưởng thành, khi nghe những âm thanh ấy sẽ cảm nhận được những trìu mến, cảm thương mà tôi dành cho các em. Dù là em nhỏ chưa từng và có lẽ sẽ không bao giờ được nhìn thấy thế giới xung quanh, hay những người luôn nhớ về ký ức đã từng nhìn thấy được cuộc sống, giờ chỉ còn là bóng tối vây quanh. Tôi muốn đưa các em đến những không gian, những miền đất mang màu sắc rực rỡ, những cảnh vật đẹp đẽ, những câu chuyện cảm động, nhân văn hay những kiến thức của cuộc sống thường nhật để các em không cảm thấy đơn độc trong cuộc đời này.

Vừa đọc, bất giác, thoảng lúc tôi lại mỉm cười, như nụ cười của những em nhỏ, những người khiếm thị biết đâu sẽ mỉm cười trong bóng tối khi theo dõi diễn biến của câu chuyện.

Tôi thấy tôi đang được làm bạn với các em, từng ngày chia sẻ nỗi cô đơn, phần nào an ủi những nỗi khổ cực của cuộc sống tật nguyền vốn chẳng mấy dễ dàng. Tôi hạnh phúc khi đọc các trang sách, thấy mình thật may mắn trong cuộc đời này vì đã có được quá nhiều điều.

Mỗi khi đến studio, gặp vài bạn trẻ khiếm thị đang cần mẫn ngồi làm sách chữ nổi, gương mặt các em không có nét nào oán trách số phận, mà tĩnh lặng bình yên, thi thoảng nói cười. Những nụ cười mà không phải người bình thường nào cũng có được. Có lẽ những người đã mất mát quá nhiều thì lại biết cách trân trọng, nâng niu từng khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời.

Tôi chợt thấy không phải tôi là người đến để giúp đỡ, chia sẻ với các em mà chính các em đã nâng đỡ tâm hồn tôi, khiến cuộc sống của tôi ấm áp và nhiều ý nghĩa. Tôi đã học được ở các em rất nhiều bài học về sự nhẫn nại, sự lạc quan và biết trân trọng mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời. Lần đầu tiên vào khoảng năm 2000 tôi tìm đến Trung ương hội người Mù Việt Nam gặp anh Bảo, Phó Chủ tịch, tôi tìm hiểu về những cuốn sách các em nhỏ cần nhất để cùng các biên tập viên Ban Kinh tế, VOV đọc và biên tập thành sách nói do một công ty bảo hiểm tài trợ. Dự kiến chúng tôi sẽ đọc hơn chục cuốn sách cho trẻ em và in khoảng 300 băng catxet tặng Trung ương hội, rồi Hội sẽ in thành nhiều bản nữa, gửi Hội người mù các địa phương. Hôm ấy, nghe anh Bảo chia sẻ mỗi người mù gặp khó khăn, được nhà nước cấp 120.000đ/tháng, cuộc sống rất khó khăn và rất thiếu thốn nguồn sách chữ nổi, sách nói. Thương quá, tôi về bàn với Chi hội nhà báo Ban Kinh tế cố gắng thực hiện được 1000 cuốn băng catxet sách nói để tặng Trung ương hội. Từ đó, các năm sau, chúng tôi đều đặn thực hiện các đợt đọc sách nói cho trẻ khiếm thị.

Bẵng đi vài năm, năm 2019, tôi tình cờ biết tổ chức phi chính phủ Vietnam and Friends (VAF) do Đặng Thế Lâm sáng lập có dự án làm sách nói và dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thị. Sách nói được tải lên phần mềm Openroad dành riêng cho người khiếm thị chứ không công bố rộng rãi. Tôi lập tức đăng ký làm tình nguyện viên và cứ sáng thứ 7 hàng tuần là đến studio của VAF để đọc sách cho các em. Công việc đọc sách của chúng tôi rất nhỏ bé, chỉ giúp được phần nào so với nhu cầu rất lớn của cả trẻ em và người khiếm thị nói chung. Nhiều bạn bè tôi cũng đã đến tham gia đọc sách cùng VAF nhưng cũng có nhiều người đọc được một vài chương rồi bận rộn nên bỏ dở, rất lãng phí công sức và tài nguyên của những người thực hiện dự án. Đến nay, đã có1300 file âm thanh sách nói được tải lên Openroad với hơn 2000 tài khoản của người khiếm thị truy cập là nỗ lực của rất nhiều người nhưng vẫn còn rất ít ỏi so với khoảng 330.000 người khiếm thị trên cả nước (theo khảo sát của Bộ Y tế và LHQ ).

Hôm đọc tản văn “Mùa xuân nho nhỏ” trong tập Du ký Thương nhớ Đồng Văn của Thuỷ Trần, tôi bỗng ao ước ngày càng nhiều người chia sẻ hơn nữa với các em nhỏ và người khiếm thị nói chung. Để mỗi giọng đọc, mỗi bản sách nói là một món quà mang những mùa xuân nho nhỏ đến với các em, để mùa xuân này, các em thấy ấm áp và hạnh phúc hơn khi đón nhận tình người, sự sẻ chia của mỗi chúng ta. Dù là những hạt mầm bé nhỏ thì biết đâu, gieo sự ấm áp, chúng ta lại chẳng nhận được cả một mùa xuân. Với tôi, studio nhỏ bé ấy luôn tràn ngập mùa xuân, mùa hạnh phúc.

Cảm ơn các em – những thiên thần trong bóng tối .

Ở cuộc đời này vẫn cần lắm những con người biết yêu thương và sẻ chia biết đến những nơi, đến với những con người thiệt thòi để mang cho họ những ngọn lửa ấm áp lấp đầy những khoảng trống để họ tin tưởng rằng cuộc đời này luôn tươi đẹp và phải vươn lên để cuộc đời của mình có ích – đó cũng là góp vào những nhành xuân nho nhỏ cho đất nước.

QUỐC BẢO



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024