ISSN-2815-5823

Gỡ “nút thắt” thiếu lao động lành nghề ngành du lịch

(KDPT) - Nằm trong khuôn khổ Hội chợ VITM Hà Nội 2025, chiều 12/4, Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay”.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia, cơ sở đào tạo trong cả nước như: Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Trường Imperial International College, Trường dạy nghề Nespace, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành...

Nhân lực lành nghề là yếu tố quyết định

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã tăng trưởng trở lại, với gần 6 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu khách nội địa chỉ trong quý I/2025. Trong bối cảnh đó, chất lượng nhân lực sẽ là yếu tố quyết định khả năng bứt phá. Việc chú trọng đào tạo thực hành, gắn kết với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ và quốc tế hóa chương trình là những hướng đi tất yếu.

Gỡ “nút thắt” thiếu lao động lành nghề ngành du lịch - ảnh 1

Tuy nhiên, theo sự nhìn nhận thẳng thắn của GS.TS Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam thì: “Nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng”.

Còn theo bà Đỗ Hồng Xoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam không thiếu lao động phổ thông, thậm chí có thể đang thừa, nhưng lại thiếu nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao, quản lý giỏi, am hiểu công nghệ và có ngoại ngữ tốt.

Hiện cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch, bao gồm 65 trường đại học, 55 trường cao đẳng, 71 trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra còn có 2 đơn vị đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Hệ thống đào tạo này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu lao động ngành du lịch mỗi năm, trong khi thực tế cần tới 400.000 lao động/năm.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam.
Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam.

Theo đánh giá của Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, lao động ngành du lịch có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; chỉ có khoảng 43% tổng số lao động đang làm việc trong ngành từng được đào tạo bài bản về chuyên môn du lịch. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đào tạo lại khi nhận sinh viên mới ra trường.

Nhiều mô hình mới, gắn đào tạo với thực hành

Tại Hội nghị, đại diện Trường Quản trị Khách sạn Quốc tế Imperial chia sẻ mô hình đào tạo theo chuẩn Anh quốc, nơi sinh viên sau khi tốt nghiệp nhận đồng thời bằng thực hành nghề nghiệp và bằng quốc tế.

Chương trình quy định rõ 70% thời lượng dành cho thực hành, 30% là lý thuyết, nhưng tất cả đều gắn chặt với thực tiễn. Giảng viên 100% là chuyên gia quốc tế, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên có thể làm việc ngay trong môi trường quốc tế mà không cần đào tạo lại.

Theo góp ý của nhiều chuyên gia đào tạo, cần phân bổ lại thời lượng đào tạo, tăng thời gian thực hành, đồng thời phối hợp giữa đại học và cao đẳng để liên thông chương trình. Bên cạnh đó, yếu tố đầu ra cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn và có thể làm việc được ngay, không phải học lại từ đầu tại doanh nghiệp.

Từ mô hình “school-in-hotel” đến việc đưa sinh viên đi thực tập nước ngoài, ngành giáo dục nghề nghiệp du lịch đang nỗ lực bắt kịp xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có chính sách vĩ mô rõ ràng hơn, thúc đẩy hợp tác công - tư trong đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, và đặc biệt là cam kết về chất lượng đầu ra của mỗi cơ sở.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải phát biểu tại hội nghị.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải phát biểu tại hội nghị.

Nhiều mô hình mới đã và đang được triển khai như “trường học trong khách sạn” hay “vườn ươm tài năng du lịch” giúp sinh viên tiếp xúc sớm với môi trường làm việc thực tế. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo cũng là một hướng đi được nhiều trường áp dụng, giúp tối ưu hóa việc giảng dạy ngoại ngữ, xây dựng mô hình thực hành ảo và nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.

Ông Phạm Ngọc Hiếu - Giám đốc kinh doanh VietED cho biết: “AI không chỉ giúp cá nhân hóa quá trình học, mà còn hỗ trợ đánh giá kỹ năng và phản hồi theo thời gian thực. Đây là xu hướng không thể thiếu trong đào tạo hiện đại”.

Chia sẻ kinh nghiệm của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội,  Hiệu trưởng Trịnh Cao Khải cho biết, chương trình đào tạo của nhà trường đang được tái cấu trúc theo hướng tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. “Kỹ năng là trọng tâm, xuất phát từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Không thể “đào tạo chay” rồi đẩy sinh viên ra thị trường”, ông Khải khẳng định./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/04/2025