Nét đẹp mùa lễ hội tại Đình - Chùa Hà
Chùa Hà là một ngôi chùa cổ, được xây dựng bởi tiền công đức từ thời vua Lý Nhân Tông (1054-1072). Chùa có tên tự là Thánh Đức Tự. Chùa Hà cùng với Đình Bối Hà kết lại tạo thành một cụm di tích có tên gọi là Đình - Chùa Hà. Nơi đây nổi tiếng linh ứng khi cầu xin tình duyên. Nhờ đó, hằng năm, Đình - Chùa Hà thu hút hàng triệu du khách thập phương đến hành lễ, nhất là trong dịp lễ hội đầu Xuân.
Để đảm bảo cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, văn minh, UBND quận Cầu Giấy đã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, các phường cũng xây dựng kế hoạch riêng của từng địa bàn. Các di tích được thành lập các tiểu ban quan lý, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, mặc dù trên địa bàn quận không có lễ hội lớn diễn ra nhưng cũng có nhiều điểm di tích thu hút đông đảo người dân đi lễ đầu năm. Do đó, quận cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội diễn ra trên địa bàn. Riêng đối với di tích Đình - Chùa Hà, trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán, quận đã về kiểm tra bởi Đình - Chùa Hà là điểm tâm linh khá lớn của quận, là nơi thu hút rất đông du khách thập phương, nhất là các bạn trẻ đến hành lễ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin quận Cầu Giấy cho biết, tại di tích Đình - Chùa Hà, năm nay quận đã xây dựng mã QR code để giới thiệu về ý nghĩa lịch sử, tâm linh đến người dân và du khách về hành lễ. Tại đây cũng niêm yết đầy đủ quy tắc ứng xử nơi công cộng… Công tác PCCC được quan tâm đầu tư, bố trí các bình chữa cháy trong di tích. Đồng thời hướng dẫn người dân đi lễ thắp hương đúng nơi quy định để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ…
Thực hiện Thông tư 04 của Bộ Tài chính về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, bà Hoàng Thị Đàn - Trưởng tiểu ban quản lý di tích Đình - Chùa Hà cho biết, mọi khoản tiếp nhận, thu chi tại đình - chùa đều được ghi chép đầy đủ. Đối với tiền trong các hòm công đức, định kỳ đều được thực hiện kiểm đếm dưới sự chứng kiến của đại diện Tiểu ban quản lý di tích, đại diện Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc phường Dịch Vọng cùng các cụ đang chấp tác tại đình - chùa.

Số tiền công đức tiếp nhận được, sau khi trả chi phí điện, nước và các khoản chi khác như lương bảo vệ và phục vụ, bồi dưỡng các cụ trực đình, chùa, số tiền còn lại được gửi ngân hàng để bảo đảm an toàn. Các khoản chi đều được thực hiện nghiêm theo quy chế đã thống nhất, không để xảy ra việc chi sai, chi không đúng mục đích.
Ngoài ra, tiền công đức cũng được Tiểu ban quản lý Đình - Chùa Hà dùng cho các hoạt động từ thiện ủng hộ bão lũ; nuôi các em có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp vào ngân hàng bò, tạo sinh kế sinh nhai cho các hộ nghèo…
Đánh giá hoạt động lễ hội tại Đình - Chùa Hà, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Ông Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) mong muốn với số lượng lớn du khách thập phương về đây hành lễ, di tích Đình - Chùa Hà sẽ luôn duy trì, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường như hiện nay.
Đặc biệt, làm tốt công tác hướng dẫn người dân về hành lễ sắp lễ, dâng lễ, thắp hương đúng nơi quy định; duy trì đảm bảo tốt hệ thống PCCC. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các hiện tượng mê tín dị đoan, không để xuất hiện tại di tích. Đối với các hàng quán bán đồ lễ, đề nghị địa phương yêu cầu các chủ hộ niêm yết giá công khai./.
- Phúc Thọ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu
- Đắk Lắk đã sẵn sàng cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuật lần thứ 9
- Nam Định: Công bố chương trình Lễ hội Khai ấn Đền Trần Ất Tỵ năm 2025