Hành trình hướng tới bền vững và trung hòa carbon trong sản xuất
Sự kiện vừa được tổ chức tại Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương với chủ đề: “Hành trình hướng tới bền vững và trung hòa carbon trong sản xuất”. Buổi hội thảo đã đề cập các vấn đề về phát thải nhà kính, trung hòa cacbon… Chương trình do Informa markets Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) tổ chức, nhằm mang đến các giải pháp hướng đến tương lai bền vững, giảm thiểu carbon trong quá trình sản xuất.
Hội thảo chia làm hai phiên sáng, chiều với nhiều chủ đề thiết thực liên quan đến vấn đề sản xuất xanh, phát thải khí nhà kính cũng như việc mua bán các tín chỉ cacrbon, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đối diện với chuyện phát triển bền vững như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Tùng Lâm - Phó chi cục Trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết: Bình Dương là một tỉnh có dân số đứng thứ 6, nhưng đứng thứ ba về GRDP. Là một tỉnh có diện tích KCN lớn nên đang phải đối diện với phát thải khí nhà kính (PTKNK). Năm 2018, Bình Dương có tỷ lệ PTKNK khoảng 4,7% tổng phát thải của cả nước, khoảng hơn 19.000 tấn CO2, trong đó ngành công nghiệp chiếm 45% phát thải khí nhà kính. Trong đó ngành sản sản xuất gốm sứ vật nung, vật liệu xây dựng và ngành sản xuất bột giấy có tỷ lệ PTKNK cao nhất nhưng cũng đóng góp GRDP cao cho địa phương.
Trong tham luận của ông Đặng Bùi Khuê - Giám đốc sáng tạo, quản lý phát triển bền vững và đánh giá bên thứ hai Bureau Veritas Việt Nam, ông đã đề cập tới hành lang pháp lý và các chuẩn bền vững EU và lộ trình tiến đến Net Zero. Các tiêu chí của EU Green Deal lên ngành cơ khí sẽ tác động đến: Nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tiêu chuẩn khí thải sẽ nghiêm ngặt hơn. Do đó cấu trúc của EU Green Deal hướng đến chuyển đổi nền kinh tế EU vì một tương lai bền vững. Thiết kế một bộ chính sách mang tính chuyển đổi sâu sắc; Tăng tham vọng về khí hậu của EU vào năm 2030 và 2050; Cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng và an toàn; Từ 'Nông trại đến bàn ăn': thiết kế hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường; Xây dựng và cải tạo theo cách tiết kiệm năng lượng và tài nguyên…
Một tham luận khác nói về chủ đề các giải pháp năng suất hỗ trợ ngành cơ khí hướng đến phát triển bền vững, công nghệ giảm thiểu phát thải CO2, nói không với dầu trong quá trình sản xuất... là những chủ đề được trao đổi trong phiên chiều.
Nhân dịp này bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Quản lý dự án của Informa Markets Việt Nam đã giới thiệu tổng quát về sự kiện triển lãm "Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo - MTA Vietnam 2024" tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM. Triển lãm mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác tiềm năng, kết nối kinh doanh sâu rộng và tiếp cận những cải tiến công nghệ mới nhất.
Là triển lãm lần thứ 20 được tổ chức vào ngày 2-5/7/2024. MTA Vietnam 2024 hứa hẹn quy tụ hơn 450 nhà trưng bày đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, là điểm đến không thể bỏ lỡ cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh các gian hàng doanh nghiệp, triển lãm dự kiến thu hút hơn 12 nhóm gian hàng quốc tế.
Năm 2023, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta đạt 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (Tổng cục Thống kê, tháng 12/2023). Theo báo cáo của Statista (tháng 0/2024), trong năm vừa qua, lĩnh vực sản xuất chế tạo của Việt Nam chiếm đến gần 24% tổng GDP cả nước. Một báo cáo khác của Cushman & Wakefield (tháng 11/2023) cũng cho biết, ngành sản xuất chế tạo Việt Nam đang được chú trọng mạnh mẽ với mục tiêu nâng tỷ trọng của ngành lên 30% vào năm 2030, thông qua nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đầu tư vào tự động hóa và robot trong lĩnh vực sản xuất. Dự báo thị trường robot Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong thời gian tới, với doanh thu ước tính đạt 356,70 triệu USD vào năm 2024. Robot công nghiệp được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường, với giá trị thị trường dự kiến lên tới 309,80 triệu USD trong cùng năm. Theo dự đoán, đến năm 2028, thị trường robot Việt Nam sẽ đạt giá trị 391,90 triệu USD (Statista, tháng 8/2023).
Với những hoạt động trên, MTA Vietnam 2024 hứa hẹn mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo Việt Nam, trở thành cơ hội kết nối kinh doanh và tiếp cận các giải pháp sản xuất tiên tiến nhất trong ngành./.
- Sumitomo đặt mục tiêu trung hòa carbon tại dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội và KCN Thăng Long theo nền tảng AZEC
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tạo cây trồng hấp thụ carbon chống biến đổi khí hậu
- Cơ hội và thách thức trong giảm phát thải carbon trong sản xuất thép