Bộ Y tế lên tiếng về thông tin "bỏ giấy khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe"Bộ Y tế đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặtBộ Y tế yêu cầu giám sát phát hiện sớm và xử lý các ổ dịch của bệnh sởi

Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại cuộc họp báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại buổi họp. (Ảnh: Bộ Y tế)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại buổi họp. (Ảnh: Bộ Y tế)

Nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp: Truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá lai giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá mới); bắt giữ, tiêu huỷ, xử lý hình sự, hành chính hành vi buôn lậu, buôn bán thuốc lá mới không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ...

Tuy nhiên, tình trạng mua bán thuốc lá mới vẫn đang diễn ra ngày càng trở lên phổ biến, tỷ lệ người hút thuốc lá mới tăng cao trong thời gian ngắn, đặc biệt đối tượng là thanh thiếu niên học sinh, có cả trẻ em gái và nghiêm trọng là có nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã xảy ra trên cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, hút thuốc lá thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế chưa được giải quyết xong. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotin, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian.

Thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Điều tra ở Mỹ cho thấy 30,6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng thuốc lá điện tử đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở nước ta, theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử đã được ghi nhận ở Trung tâm chống độc và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Liệu có việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường ?

Theo WHO, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện".

Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá. Việc người dùng sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia.

Cụ thể, như ở Mỹ, bằng chứng cho thấy hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống (CDC Hoa Kỳ). Khoảng 70% người dùng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản và 96,2% người dùng thuốc lá nung nóng ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời thuốc lá nung nóng với thuốc lá điếu truyền thống.

Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: "Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường". Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Không có bằng chứng khoa học của tuyên bố: "Thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá thông thường". Thông tin này được đưa trên cơ sở một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá và không đảm bảo cơ sở khoa học./.